Nhắc lại tình hình dịch COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu, lây nhiễm tới trên 200 nước và vùng lãnh thổ, có hàng chục vạn người nhiễm và hàng vạn người tử vong, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống dịch đạt kết quả tốt đẹp.
Khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cách ly xã hội không phải là phong tỏa xã hội. Chúng ta vẫn phải duy trì lưu thông, sản xuất hàng hoá, xuất nhập khẩu… |
Liên quan đến các Chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch và tại Chỉ thị 16 ban hành ngày 31/3, có đặt vấn đề cách ly xã hội, theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Vì nhiều nguyên nhân, nhất là cách hiểu của một bộ phận người dân chưa đúng đã dẫn đến tâm lý lo lắng không cần thiết, thậm chí nhiều người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ, nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ xảy ra tình trạng “bế quan, toả cảng”…
Thủ tướng nêu rõ: “Cách ly xã hội không phải ngăn cấm giao thông, phong tỏa xã hội… Chúng ta vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường”. Cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong toả xã hội mà chỉ hạn chế giao thông.
Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường. Bảo đảm làm việc tại nhà bình thường, chất lượng công việc tốt.
Về khung thời gian 15 ngày theo Chỉ thị 16, Thủ tướng làm rõ, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa việc lây nhiễm ra cộng đồng, vấn đề một số nước đã vấp phải.
Về kết quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh và ổn định, phát triển kinh tế thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình. Và kết quả đạt được đã được thế giới ghi nhận, điển hình như đánh giá của Ngân hàng Thế giới (trong Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19 vừa được công bố chiều 31/3) đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài và đạt tăng trưởng cao. Theo đó, trong quý I/2020, tăng trưởng kinh tế đạt 3,82%, dù là mức thấp nhất trong 11 năm qua nhưng là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này.
Tái khẳng định trong 15 ngày tới là thời điểm quyết định để ngăn chặn dịch và nếu quyết liệt, cách ly xã hội, chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải tập trung sức chỉ đạo thực hiện quyết liệt những giải pháp Chính phủ đã đề ra để ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Thủ tướng cũng yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; yêu cầu mọi người dân tích cực chấp hành việc khai báo y tế tự nguyện, phải tự bảo vệ mình, gia đình mình, tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động phòng chống của các cơ quan chức năng.
“Tôi yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khoẻ, an toàn cho người dân. Tôi xin nhắc lại thời gian 15 ngày tới có ý nghĩa quyết định việc dịch có bùng phát trên diện rộng hay không ở nước ta” - Thủ tướng nói và cho biết, trong phiên họp hôm nay, Chính phủ sẽ thảo luận nghị quyết về gói an sinh xã hội quan trọng, thảo luận, ban hành những chủ trương, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư công, bảo đảm an ninh trật tự nhưng trước hết đánh giá tác động trực tiếp nhất của vấn đề này là an sinh xã hội cho người dân.