Tại cuộc làm việc, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo: Hoàn thiện thể chế về đầu tư, hợp đồng, đấu thầu; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa; các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa; có cơ chế chỉ định thầu đối với một số công trình, gói thầu đặc biệt; tăng hạn mức vay cho các doanh nghiệp xây dựng; tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước liên kết với doanh nghiệp quốc tế để triển khai các dự án nhằm tranh thủ công nghệ, kinh nghiệm, nguồn lực, quản lý để doanh nghiệp trong nước không ngừng lớn mạnh…
Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, hệ thống định mức xây dựng hiện hành vẫn còn một số hạn chế, như: Thiếu định mức cho một số công tác xây dựng sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới, áp dụng phương pháp thi công mới; một số định mức vẫn còn bất cập, chưa phủ kín các loại công tác xây dựng, điều kiện áp dụng.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đề nghị Nhà nước hỗ trợ tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam học tập kinh nghiệm của doanh nghiệp lớn nước ngoài về triển khai các công trình quy mô lớn; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành liên quan tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành, mô hình BIM để áp dụng cho các công trình ngành giao thông, đặc biệt là công trình đường sắt tốc độ cao…
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường nêu một số đề xuất liên quan sử dụng đất bùn nạo vét để sử dụng trong san lấp mặt bằng, giúp thay thế vật liệu xây dựng đang khan hiếm hiện nay và giảm thiểu tác động môi trường…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Ảnh: Nhật Bắc |
Sau khi đại diện các bộ, ngành và các Phó Thủ tướng giải đáp, làm rõ các vấn đề mà các hiệp hội, doanh nghiệp có ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cuộc làm việc cho thấy sự quan tâm của Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng; lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu với các khó khăn của doanh nghiệp; cùng nhau thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, trưởng thành hơn, tự tin hơn bước vào giai đoạn mới, thực hiện các công trình tầm cỡ, những công trình thế kỷ đánh dấu sự phát triển vươn mình của đất nước.
Thủ tướng cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo của Bộ Xây dựng, các ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu, giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, ban hành Thông báo kết luận hội nghị để thống nhất chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Khái quát một số kết quả đạt được trong triển khai các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng biểu dương sự tham gia, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Thủ tướng lấy ví dụ, dự án đường dây 500 kV mạch 3 liên quan tới hàng nghìn người dân, nhưng người dân tự nguyện nhường mặt bằng cho dự án, không phải cưỡng chế.
Các địa phương, nhất là các đồng chí Bí thư, Chủ tịch đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", chia sẻ với các chủ đầu tư, các nhà thầu.
Chủ đầu tư và các chủ thể tham gia dự án đã quyết tâm cao, trách nhiệm, chủ động vào cuộc quyết liệt, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để vượt qua mọi thách thức; các doanh nghiệp, nhà thầu thi công triển khai với tinh thần "3 ca, 4 kíp", vượt nắng, thắng mưa", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", các nhà thầu chính hợp tác, hỗ trợ các nhà thầu phụ, doanh nghiệp địa phương tham gia dự án.
Cùng với đó, sự phối hợp, chia sẻ, đồng cảm giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân đã giúp vượt qua các thách thức, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nói chung, đã dần được hoàn thiện và ngày càng được hoàn thiện.
Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, Thủ tướng chỉ rõ việc triển khai các dự án cũng còn những tồn tại, hạn chế, bất cập liên quan công tác giải phóng mặt bằng; hệ thống định mức xây dựng; các quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện; đào tạo nhân lực… mà các chủ thể liên quan cần cùng nhau cố gắng, làm tốt hơn.
Thủ tướng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Ảnh: Nhật Bắc |
Hiện cả nước đang nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó có chỉ tiêu về hạ tầng chiến lược như xây dựng 3.000 km cao tốc tới năm 2025, các sân bay, bến cảng, hạ tầng điện, viễn thông… Thủ tướng nêu rõ, công việc nhiều, thời gian ngắn, yêu cầu cao, mong đợi của nhân dân lớn, do đó các chủ thể cần cùng nhau tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, nhận thức rõ hơn nữa về tầm quan trọng của các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng quốc gia trong tạo không gian phát triển mới, giúp hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, làm tăng giá trị của đất đai, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm chi phí lotistics, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, của nền kinh tế. Việc triển khai các dự án hạ tầng chiến lược đã và đang được làm tốt, sắp tới phải cùng nhau làm tốt hơn.
Thứ hai, cùng nhau huy động nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp, nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hạ tầng chiến lược với tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thứ ba, cùng nhau tập trung ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị theo hướng thông minh trong hoạt động của các doanh nghiệp và triển khai các dự án.
Thứ tư, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế liên quan giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, quy chuẩn, quy trình, đấu thầu, chỉ định thầu… trong triển khai dự án, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.
Thứ năm, các doanh nghiệp phát huy tinh thần tự lực, tự cường đi lên từ sức mạnh nội sinh, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Thứ sáu, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp luôn chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu với các khó khăn, thách thức, động viên, khích lệ về những thành quả đã làm được, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, nguồn lực, nhân lực để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, góp phần phát triển đất nước.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để triển khai các công việc theo các nhiệm vụ trọng tâm nói trên.
Thủ tướng mong muốn, tin tưởng và kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng, trong đó có các doanh nghiệp tham gia dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia tiếp tục phát huy tinh thần "đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình", "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp", "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", "đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn; quyết tâm rồi, quyết tâm hơn nữa; nỗ lực rồi, nỗ lực hơn nữa; quyết liệt rồi, quyết liệt hơn nữa", tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó có việc tích cực hưởng ứng phong trào 500 ngày đêm cao điểm thi đua xây dựng 3.000 km cao tốc.
Về các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổng hợp và phân công các Phó Thủ tướng theo lĩnh vực chỉ đạo các bộ ngành liên quan xử lý theo tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm".