Thủ tướng: Những gì đã rõ, đã chín thì chúng ta luật hóa Thủ tướng mong Samsung sẽ cùng Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới Thủ tướng sẽ dự và phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 |
Tăng trưởng vì mục tiêu dân giàu nước mạnh
Chiều 14/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tình hình thế giới đang tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường với căng thẳng thương mại và nguy cơ chiến tranh thương mại, nối tiếp sau những khó khăn như dịch bệnh Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, cơn bão số 3 (Yagi)...
Cùng với đó, quy mô, độ mở, sự chuyển đổi của nền kinh tế cũng là một thách thức cho những mục tiêu trăm năm (tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tới 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước) mà Đại hội XIII đã đề ra. Đặc biệt, theo Thủ tướng, việc thay đổi lãnh đạo ở địa phương, Trung ương trong nhiệm kỳ này cũng có tác động.
Trong bối cảnh như vậy, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của Nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đất nước đã vượt qua được khó khăn. Năm 2024, toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã vượt và đạt, trong đó 12 chỉ tiêu vượt.
Theo Thủ tướng, tình hình thế giới hiện nay, cùng với đòi hỏi, mong mỏi của Nhân dân, yêu cầu của phát triển nhằm đạt các mục tiêu trăm năm thì nhiệm vụ tăng trưởng GDP 8% năm 2025 "khó mấy cũng phải làm, không làm không được".
Thủ tướng nhớ lại, hồi xảy ra bão Yagi, nhiều người khuyên ông giảm mục tiêu tăng trưởng để dễ phấn đấu. "Tôi trả lời rằng phấn đấu vì dân giàu nước mạnh, vì cuộc sống ấm no của nhân dân, chứ không phải đặt ra mục tiêu để dễ dàng phấn đấu đạt được. Truyền thống, văn hóa của dân tộc chúng ta từ xưa đến nay là càng áp lực càng nỗ lực, càng khó khăn càng đoàn kết. Chúng ta đã vượt qua những khó khăn" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, tăng trưởng GDP 8% sẽ kéo theo tăng trưởng của nhiều chỉ số, từ quy mô GDP, thu nhập bình quân đầu người đến năng suất lao động.
"Đây là một thách thức rất lớn. Nhưng nếu không đặt mục tiêu như thế thì khó hoàn thành mục tiêu trăm năm. Cả nước phải tăng trưởng, các địa phương phải tăng trưởng, các ngành phải tăng trưởng, các lĩnh vực phải tăng trưởng. Tất cả đều phải hành động, phải thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung cho mục tiêu tăng trưởng" - Thủ tướng nói.
Đẩy mạnh ba đột phá chiến lược
Về các giải pháp, Thủ tướng nói: Cần phải tạo không gian sáng tạo để các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân và mọi chủ thể liên quan thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Cùng với đó, phải nới rộng tăng trưởng tín dụng, kết hợp với chính sách tài khóa, tăng thu giảm chi, nới rộng tỷ lệ bội chi trong bối cảnh nợ công, nợ chính phủ đang được kiểm soát tốt.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp |
Mặt khác, cần phải tăng chỉ số ICOR (hiệu quả đầu tư) như các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thực hiện. Điều quan trọng là vay phải trả được và đầu tư cho trúng, đúng; các chủ thể có liên quan cùng tính toán với các cơ quan, Chính phủ về vấn đề này.
Thủ tướng cũng đề cập đến giải pháp thúc đẩy đầu tư công, đẩy mạnh ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực theo tinh thần "vướng mắc ở đâu gỡ ở đó, vướng mắc lúc nào gỡ lúc đó".
Đối với đột phá hạ tầng, Thủ tướng đề cập đến các hạ tầng chiến lược như: Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với Trung Quốc, châu Âu; hạ tầng số, hạ tầng y tế giáo dục, xã hội…
Các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng được Thủ tướng nêu ra và kêu gọi các đại biểu Quốc hội ủng hộ đề xuất của Chính phủ, tinh thần là phải có cơ chế đặc thù để triển khai nhanh các dự án nhưng giảm chi phí, không đội vốn, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, không để tham nhũng, tiêu cực.
Về nhân lực, phải đột phá để đào tạo nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đang được triển khai rất quyết liệt.
Quốc hội, theo đề xuất của Chính phủ đã và đang thể chế hóa các giải pháp cả trước mắt và lâu dài, từ các cơ chế đặc thù, sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, ban hành Luật Dữ liệu để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Hành động quyết liệt nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm
Trích nhận định từ Đại hội XIII cho rằng "tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu", Thủ tướng nói cần phải có phương châm thực hiện và kinh nghiệm thực tiễn từ triển khai đường dây 500 kV mạch 3, sân bay Long Thành, lo cân đối năng lượng (điện) năm 2024 để tổ chức thực hiện những công việc cấp bách.
![]() |
Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên |
Cụ thể, việc triển khai đường dây 500 kV mạch 3 chỉ thực hiện 6 tháng so với trước đây làm mất 3 - 4 năm; dự án sân bay Long Thành tổ chức làm hiệu quả trong 2 năm gần đây, hay việc đảm bảo cung ứng điện trong bối cảnh tổng nguồn điện không thay đổi cho thấy cần tổ chức vận hành hiệu quả.
Vì vậy, tổ chức thực hiện phải nhanh, kịp thời, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đó. Khi phân công phải rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm và rõ trách nhiệm; tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thủ tướng yêu cầu, phải đoàn kết nhất trí, chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã quyết tâm thì phải làm. Đồng thời, mong các đại biểu Quốc hội ủng hộ. Tất cả vì sự phát triển, tương lai của đất nước. Đất nước muốn tăng trưởng được 2 con số, thực hiện được mục tiêu trăm năm thì phải nỗ lực.
Thủ tướng cũng nêu rõ, hành động quyết liệt nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư tập trung, không dàn trải. "Tại sao vừa qua vốn liếng không nhiều lắm nhưng ta làm được một số việc lớn? Vì ta cắt bớt một số việc nhỏ lặt vặt để tập trung việc lớn" - Thủ tướng nói.
Cùng với việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) thì phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tích cực khai thác các không gian phát triển mới như không gian vũ trụ, không gian ngầm, không gian biển.
Người đứng đầu Chính phủ còn đề cập đến giải pháp phải cải cách bộ máy, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin cho. Chỉ cần bỏ một cấp đi là giảm được thủ tục hành chính, áp dụng số hóa thì đơn giản hóa được các thủ tục còn lại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình thế giới hiện nay, cùng với đòi hỏi, mong mỏi của Nhân dân, yêu cầu của phát triển nhằm đạt các mục tiêu trăm năm thì nhiệm vụ tăng trưởng GDP 8% năm 2025 "khó mấy cũng phải làm, không làm không được". |