Chiều 8/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế khu vực và thế giới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tăng trưởng 8% là mệnh lệnh từ trái tim và trách nhiệm dân tộc
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, đánh giá về tình hình trong nước, thế giới, đưa ra các nhận định về cơ hội, thách thức thời gian tới.
Phiên họp cũng tập trung đánh giá về thay đổi chính sách kinh tế, thuế quan ở một số nước đã tác động đến kinh tế, nhất là xuất, nhập khẩu toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Các thành viên Chính phủ cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo là nhiệm vụ rất nặng nề. Do đó, cần tiếp tục tháo gỡ về thể chế, pháp luật; khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng cho biết, Trung ương đã có Kết luận, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên; tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng cũng rất quan trọng và vẻ vang để có thể đạt được 2 mục tiêu chiến lược 100 năm. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
"Thúc đẩy tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm sắp tới là nhiệm vụ rất khó khăn, thách thức nhưng là mệnh lệnh từ trái tim, khối óc, trách nhiệm với quốc gia, dân tộc và nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng kế hoạch cân bằng thương mại với các đối tác lớn, chú ý khai thác bổ sung thiếu hụt, hỗ trợ lẫn nhau - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, song phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường.
Thủ tướng chỉ đạo tập trung 3 đột phá chiến lược bao gồm hoàn thiện thể chế, hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo hướng "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị và nguồn nhân lực thông minh". Cùng với đó, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Đối với đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm, các trung tâm tài chính, khu thương mại tự do, dự án đường sắt kết nối, đường sắt tốc độ cao, nhà máy điện hạt nhân…
Cân bằng thương mại, tận dụng FTA
Nhấn mạnh hợp tác kinh tế với nước ngoài có vai trò quan trọng, góp phần cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo; Thủ tướng đặc biệt lưu ý các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các nước. Trong đó, tập trung thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư với đối tác, nhất là những đối tác lớn như: Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Cùng với nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch, hấp dẫn, sức chống chịu của nền kinh tế và nâng cao tính tự lực, tự cường, hội nhập chủ động, sâu rộng, hiệu quả của nền kinh tế, phải có giải pháp chủ động cân bằng thương mại, thúc đẩy ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư với các đối tác.
![]() |
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình, phản ứng, ứng xử kịp thời, phù hợp, linh hoạt, khả thi, hiệu quả với từng thị trường, nhất là trong bối cảnh có những thay đổi về chính sách kinh tế, thuế quan của các nước.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng kế hoạch cân bằng thương mại với các đối tác lớn, chú ý khai thác bổ sung thiếu hụt, hỗ trợ lẫn nhau; khai thác tối đa các hiệp định thương mại (FTA) đã ký và xúc tiến ký mới các FTA để đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá chuỗi cung ứng;
Rà soát lại các sắc thuế, nhất là các đối tác lớn để điều chỉnh nếu thấy cần thiết và phù hợp với lợi ích của các bên; rà soát, đề xuất thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là các ngành mới nổi.
Các bộ, ngành và địa phương chủ động tháo gỡ vướng mắc trong các dự án của đối tác nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp quốc tế mở rộng đầu tư, giúp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các vấn đề về giấy phép lao động, visa cần được giải quyết nhanh chóng, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, công khai, phòng chống gian lận thương mại.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhất là với các đối tác truyền thống, đối tác lớn…
Việt Nam đã tham gia 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện, Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán các FTA mới nhằm đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng không gian hợp tác đầu tư, thương mại với các đối tác trên thế giới. Bộ Công Thương được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng trong các FTA này. Việc đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu... |