Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng đại diện Bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Thừa Thiên Huế bấm nút khởi công dự án |
Dự án Đầu tư xây dựng bến tổng hợp – container số 4 và số 5 cảng Vsico Chân Mây do Công ty CP Hàng hải Vsico (Hà Nội) làm chủ đầu tư, diện tích sử dụng đất và mặt nước khoảng 26,3ha, trong đó mặt nước khoảng 5,9ha, tổng kinh phí đầu tư gần 1.680 tỷ đồng.
Cảng Vsico Chân Mây đặt mục tiêu xây dựng bến số 4, bến số 5 có hạ tầng cầu cảng, kho, bãi, trang thiết bị… đảm bảo điều kiện cung cấp dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, lưu kho bãi, vận tải hàng hóa và các dịch vụ liên quan đến vận tải, dịch vụ hỗ trợ…; xây dựng 2 cầu cảng cho tàu hàng tổng hợp/container với tổng chiều dài 540m cùng kho, bãi, hạ tầng kỹ thuật, máy móc thiết bị… đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 70.000 tấn, tàu container đến 4.000 TEUS. Dự kiến, dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động trong 24 tháng kể từ ngày khởi công.
Theo ông Vũ Đức Huề - Tổng Giám đốc Điều hành Vsico, dự kiến đến quý II/2025 đưa vào hoạt động bến số 4 và đầu năm 2026 đi vào hoạt động bến số 5; sản lượng thông qua cảng dự kiến 5 triệu tấn hàng hoá xuất nhập khẩu mỗi năm. Với các tàu container, sản lượng thông qua cảng dự kiến 80 ngàn đến 100 ngàn TEUS mỗi năm.
Tại lễ khởi công, ông Hoàng Hải Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cảng Chân Mây, thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng, là cảng biển tổng hợp Quốc gia, đầu mối khu vực và là cảng nước sâu, điểm cuối tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây…, hội đủ các điều kiện, tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như cả nước.
“Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, cảng Chân Mây đã vượt công suất thiết kế 50% (năng lực thiết kế 4 triệu tấn/năm nhưng thực tế khai thác 6 triệu tấn/năm). Với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 25%, theo dự báo và quy hoạch đến năm 2025, phải phát triển từ 5 cầu cảng đến 7 cầu cảng với tổng chiều dài 1.930m, năng lực thông qua từ 7,5 triệu tấn đến 13,8 triệu tấn. Do vậy, việc đầu tư xây dựng bến số 4 và số 5 Cảng Vsico Chân Mây là hết sức cấp thiết và là bước chuẩn bị kịp thời để đón đầu cơ hội, tiếp nhận lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển ngày càng gia tăng trong các năm tiếp theo”, ông Hoàng Hải Minh nhấn mạnh.
Với tiềm năng, lợi thế, hạ tầng sẵn có, sau khi hoàn thành bến số 4 và số 5 sẽ nâng tổng chiều dài các cầu cảng lên 1.450m; cùng với việc hoàn thành giai đoạn 2 đê chắn sóng Cảng Chân Mây với chiều dài 750m sẽ đảm bảo điều kiện để tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, tăng thời gian khai thác tàu trong năm (kể cả mùa mưa); tạo động lực và khí thế mới cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế.
Xác định đây là công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng của Thừa Thiên Huế, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh đề nghị, chủ đầu tư, các nhà thầu tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn cảnh quan, môi trường công trình và cộng đồng dân cư khu vực bị tác động bởi dự án; đề nghị UBND huyện Phú Lộc, các sở, ban, ngành phối hợp, đồng hành với chủ đầu tư; tạo điều kiện tối đa để nhà thầu thi công, hoàn thành đúng thời hạn; thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh, trật tự và an toàn giao thông trong suốt thời gian thi công.