Thứ sáu 25/04/2025 14:48

Thủ tướng: Doanh nghiệp nhà nước phải chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nhà nước tiên phong tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Lực lượng nòng cốt trong phát triển bền vững

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 21/3/2025 về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới, trong nước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đòi hỏi các doanh nghiệp nhà nước phải thay đổi, ứng phó nhanh hơn, kịp thời hơn, thích ứng linh hoạt và hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải tiên phong trong tăng tốc, bứt phá tăng trưởng - Ảnh minh họa

Khu vực doanh nghiệp nhà nước tiếp tục củng cố, phát huy vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế, góp phần xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt, phát huy vai trò chủ lực, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, bảo đảm an ninh năng lượng; bảo đảm cân đối lớn và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quan trọng cho nền kinh tế như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản...

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia.

Các doanh nghiệp nhà nước cần tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo để gia tăng giá trị sản phẩm, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp trọng điểm như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản và các ngành khác có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc gia.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới công tác cán bộ trong các doanh nghiệp nhà nước, với mục tiêu xây dựng một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có năng lực sáng tạo và khả năng ứng phó linh hoạt với tình hình thay đổi nhanh chóng. Đào tạo nhân lực và thu hút nhân tài sẽ là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp nhà nước giữ vững và phát huy vai trò tiên phong trong các lĩnh vực kinh tế trọng yếu.

"5 rõ" trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp

Các bộ, ngành, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan đại diện chủ sở hữu: Với quan điểm Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, lắng nghe, tiếp thu, kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp; các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công khẩn trương xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ, nhất là về cơ chế, chính sách với tinh thần "5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả".

Đặc biệt, các bộ, ngành phải chủ động nghiên cứu và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.

Cơ chế hợp tác công tư (PPP) cũng được nhấn mạnh là một công cụ quan trọng để huy động nguồn lực xã hội và tạo ra các đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Tài chính được giao khẩn trương báo cáo Chính phủ phương án tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong đó, lưu ý về vấn đề phân cấp phân quyền, công tác cán bộ, chính sách tiền lương, tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp...

Việc hoàn thiện dự thảo luật theo tinh thần đánh giá hiệu quả tổng thể của doanh nghiệp, chấp nhận rủi ro; tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát huy trí tuệ, năng động, tạo không gian cho doanh nghiệp sáng tạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật; trường hợp sai phạm thì xử lý theo quy định pháp luật.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo; các Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực được phân công phụ trách tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện chủ sở hữu khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những trường hợp vượt thẩm quyền.

Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Chỉ thị này.

Nguyên Thảo
Bài viết cùng chủ đề: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tin cùng chuyên mục

Tạo đột phá nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại Việt Nam - Lào

Tổng Bí thư: Hoan nghênh EU chú trọng hợp tác với Việt Nam trong chuyển đổi số, năng lượng tái tạo

Chủ tịch Quốc hội: Sửa luật phải tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển

Tổng Bí thư: Việt Nam - Philippines phấn đấu kim ngạch thương mại 10 tỷ USD

Chốt tiến độ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Ninh Bình - Hải Phòng

4 Thiếu tướng, 6 Đại tá quân đội nhận nhiệm vụ mới

10 ủy viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng

Sáp nhập Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình: Bài 2- Kiến tạo mô hình đa trung tâm

Xung lực mới đưa quan hệ Việt Nam - Lào phát triển đột phá

Chủ tịch nước Lương Cường lên đường thăm cấp Nhà nước tới Lào

Chủ tịch nước Lương Cường: Việt Nam luôn coi trọng và củng cố quan hệ kinh tế với các nước

Đảng bộ Báo Công Thương: Đổi mới lãnh đạo toàn diện, hướng tới tờ báo kinh tế hàng đầu của đất nước

Phân quyền Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự dịp Lễ 30/4 và 1/5

Luật 57/2024/QH15: Tăng minh bạch, tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong đầu tư

Thủ tướng nêu 3 quyết tâm, 3 sứ mệnh tạo đột phá kinh tế số

Phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất

Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế có tính bổ trợ lẫn nhau

Sáp nhập Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình: Bài 1- Định hình không gian để chuyển mình, bứt phá

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tạo hành lang pháp lý thuận lợi khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả