Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp... về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Ngoại giao kinh tế cần phát huy và tận dụng mọi cơ hội phát triển đất nước. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Trọng tâm ngoại giao kinh tế trong đối ngoại cấp cao
Theo Bộ Ngoại giao, 6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế-xã hội.
Về kết quả đạt được, đóng góp duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng. Trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác.
Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, đàm phán FTA, tăng cường thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động… được chú trọng lồng ghép và cụ thể hóa thành các cam kết, dự án cụ thể trong các mọi hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công tác rà soát liên ngành các thỏa thuận, cam kết quốc tế ký kết nhân dịp các hoạt động đối ngoại cấp cao được thực hiện định kỳ hằng tháng dưới sự chủ trì của lãnh đạo Chính phủ, và ngày càng đi vào nền nếp.
Đến nay, cơ chế này đã họp được 3 phiên, rà soát được gần 400 thỏa thuận của các bộ, ngành và các địa phương, góp phần tích cực đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ vướng mắc; góp phần củng cố động lực tăng trưởng thông qua rà soát triển khai các thỏa thuận tự do hóa thương mại vừa ký kết, nâng cấp thỏa thuận đã có và chủ động đàm phán thỏa thuận mới.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới đầu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
6 tháng đầu năm, Việt Nam đã rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực thi các FTA chủ chốt, có tầm ảnh hưởng lớn với Việt Nam. Trong khuôn khổ CPTPP, đã chủ trì xây dựng dự thảo tài liệu thành lập Ban Thư ký CPTPP, thống nhất quy chế rà soát thực thi Hiệp định, trình Quốc hội xem xét phê chuẩn hồ sơ gia nhập của Anh, tham mưu chủ trương về hồ sơ gia nhập của các nền kinh tế khác.
Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành ráo riết triển khai đề án Halal, ban hành kế hoạch hành động, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia, đón đoàn doanh nghiệp Brunei về Halal, đàm phán ký kết thỏa thuận hợp tác Halal với Saudi Arabia.
Việt Nam đã đón nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào Việt Nam như NVIDIA, Apple, Intel, Google, Inforsys, Siemens..., các đoàn hàng trăm doanh nghiệp lớn từ Bắc Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản...
Công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược phục vụ điều hành kinh tế-xã hội tiếp tục được chú trọng, bám sát yêu cầu phát triển của đất nước, đặc biệt công tác nghiên cứu phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIV, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2026-2030 là một trong những ưu tiên hàng đầu. Thể chế hóa các cơ chế điều hành, phối hợp trong triển khai ngoại giao kinh tế được tăng cường tạo sức mạnh tổng hợp…
Nắm bắt từ sớm, từ xa các xu thế mới
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cùng các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế; trong đó, đã bám sát Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, Nghị quyết 21 của Chính phủ, triển khai công việc kinh nghiệm, bài bản, chuyên nghiệp hơn, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện tiếp tục tăng cường tuyên truyền về những thành tựu nổi bật và những chủ trương, đường lối, mục tiêu, định hướng, quan điểm lớn trong phát triển đất nước.
Trong đó, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực; đồng thời, ưu tiên cho tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn, tri thức; lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 làm nền tảng.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện cần đẩy mạnh quảng bá ra thế giới về các mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam với chất lượng cao, giá thành cạnh tranh; cũng như tăng cường giới thiệu về môi trường, đầu tư kinh doanh của Việt Nam. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Thủ tướng đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác nước ngoài; nắm chắc thông tin, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với trong nước - ngoài nước, lắng nghe ý kiến của các địa phương về nhu cầu và mục tiêu phát triển; đồng thời, kết nối các nước, các khu vực kinh tế và doanh nghiệp thế giới với Việt Nam; theo dõi sát các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước áp dụng đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam để có biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa.
Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tích cực kết nối với các cơ quan đại diện Việt Nam để truyền tải thông tin, quảng bá sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam ra thế giới.
Thủ tướng tin tưởng, sau hội nghị này, sự kết nối trong nước với nước ngoài chặt chẽ, hiệu quả, thực chất hơn, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp; phát huy hiệu quả hơn nguồn lực của cộng đồng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài; yêu cầu các Cơ quan đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần chủ động, hiệu quả, chia sẻ những khó khăn, thúc đẩy thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài ổn định sinh sống, làm ăn, vừa có điều kiện hỗ trợ trong nước.