Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đồng chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương tại gần 100 điểm cầu trên toàn quốc tham dự.
Quang cảnh Hội nghị |
Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các ban, bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhằm đánh giá tổng thể kết quả và tác động của Đề án sau 10 năm thực hiện; chỉ ra những mặt được, chưa được, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm.
Đây là sự kiện tiếp nối chuỗi hội nghị, diễn đàn để lắng nghe ý kiến của các ngành, địa phương, cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề quan trọng này.
An ninh lương thực là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia. Đất nước ta với quy mô dân số gần 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á thì bảo đảm an ninh lương thực càng là vấn đề hệ trọng.
Sau 10 năm thực hiện, Đề án đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thế: 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, trong đó đáng chú ý điện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn).
Giai đoạn 2009-2019, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần.
Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao (đạt 2,61%/năm). Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới...
Giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh (giai đoạn 2009-2019, lương thực bình quân đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm; sản lượng rau quả tăng trưởng nhanh 80,5%, từ 9,75 triệu tấn lên 17,6 triệu tấn; sản lượng trái cây tăng từ 6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn).
Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo.
Việt Nam có khả năng đảm bảo tự cung lương thực với sản lượng lương thực bình quân tính trên đầu người ở mức tương đối cao (đứng thứ 6 trên thế giới).
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững nên quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương không ổn định, có tình trạng "được mùa - mất giá", giải cứu nông sản.
Thể chế, cơ chế chính sách về đất đai còn bất cập, dẫn đến sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ; chưa đáp ứng được đòi hỏi về tích tụ, tập trung ruộng đất, đang là "nút thắt" lớn nhất cho sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao của quốc tế.
Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất lương thực, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.