Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 Cận cảnh cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trước ngày thông xe |
Sáng ngày 29/4 tại tỉnh Bình Thuận, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai tổ chức Lễ khánh thành, đưa vào khai thác Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 các đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Buổi lễ cũng được tổ chức theo hình thức trực tuyến ở điểm cầu huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ cắt băng khánh thành hai cao tốc này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành |
Vượt mọi khó khăn, tăng tốc về đích
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công vào tháng 9/2020, toàn tuyến chia thành 4 gói thầu xây lắp, có 18 cầu trên cao tốc và 47 cầu vượt đường ngang dân sinh. Dự án có tổng chiều dài 99 km, trong đó qua tỉnh Bình Thuận dài hơn 47 km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 51 km. Ngoài ra còn đoạn tuyến nối từ cao tốc đến quốc lộ 1A khoảng 2,6 km.
Điểm đầu tuyến nằm trên tuyến đường từ quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh tỉnh Bình Thuận, điểm cuối tuyến kết nối với tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại khoảng Km43+125 thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Đường được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A vận tốc thiết kế 120km/h. Đoạn tuyến nối cao tốc với quốc lộ 1A xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng vận tốc thiết kế 80km/h. Quy mô giai đoạn phân kỳ gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp với bề rộng nền 25m và đoạn tuyến nối đường cao tốc với Quốc lộ 1A bề rộng nền 16m. Tổng vốn đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 có chiều dài tuyến hơn 63 km đi qua tỉnh Ninh Bình hơn 14 km và tỉnh tỉnh Thanh Hóa hơn 49 km. Dự án được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 120 km/h, giai đoạn phân kỳ thiết kế vận tốc 80 km/h với 4 làn xe bề rộng nền là 17 m. Tổng kinh phí đầu tư 12.111 tỷ đồng.
Trước mắt cho xe 3,5 tấn theo hướng Bắc - Nam được lưu thông từ nút giao Mai Sơn đến nút giao Hà Lĩnh, xe khách trên 16 chỗ ngồi được lưu thông từ nút giao Mai Sơn đến nút giao Gia Miêu, xe tải trên 10 tấn tạm thời chưa được lưu thông. Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ rút ngắn hành trình di chuyển, đẩy nhanh thời gian kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị từ Hà Nội với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, cũng như từ Bắc vào Nam; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến. Bên cạnh đó khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên quốc lộ 1A đoạn qua các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, quá trình thi công cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây gặp nhiều khó khăn như đại dịch Covid-19 bùng nổ, có những thời điểm toàn xã hội phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, công trường không thể huy động các cán bộ, công nhân đến làm việc, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng vật liệu dẫn tới tổng thời gian các công trường phải dừng thi công từ 04 - 06 tháng. Bên cạnh đó ảnh hưởng kinh tế của thế giới, thị trường giá nhiên, nguyên - vật liệu có biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan, việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Ngoài ra trong quá trình thực hiện thiếu hụt về nguồn cung đặc biệt với nguồn vật liệu đất đắp.
Tuy vậy, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cũng như quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung rà soát phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nơi dự án đi qua để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án. Ngày 10/09/2022, với mục tiêu “không còn đường lùi”, phải vượt qua mọi khó khăn để “tăng tốc, về đích”, Bộ Giao thông vận tải đã phát động “phong trào thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật” với mục đích vừa cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các Ban Quản lý dự án, nhà thầu nỗ lực phấn đấu với mục tiêu đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án đưa vào khai thác sử dụng vào dịp 30/4/2023.
Đến cuối tháng 4/2023, dự án thành phần đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trên chính tuyến Phan Thiết - Dầu Giây; đồng thời hoàn thiện các thủ tục liên quan cũng như làm việc với Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng để đảm bảo đủ điều kiện đưa dự án vào khai thác sử dụng trước ngày từ ngày 29/4/2023.
Lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây |
Không né tránh, đùn đẩy để dự án hoàn thành đúng kế hoạch
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện dự án, mặc dù gặp nhiều khó khăn như dịch Covid -19, ảnh hưởng từ quốc tế và thời tiết… nên đã kéo theo việc chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên với tinh thần vượt nắng, thắng mưa, vượt đại dịch và bão giá cộng với hành động quyết liệt đã hoàn thành công việc đặt ra, hoàn thành cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây đúng dịp 30/4.
Thủ tướng cũng cho rằng đây là bài học kinh nghiệm và là niềm tin để vượt qua những khó khăn sắp tới tại các dự án khác.
Thủ tướng đúc kết bài học kinh qua dự án này đó chính là: Có cách tiếp cận mới, tuy duy mới trong tổ chức thực hiện với tính khoa học hợp lý, dứt điểm và hiệu quả ; Vai trò lãnh đạo người đứng đầu khi tôn trọng thực tiễn, không né tránh đùn đẩy; giải quyết hài hòa hợp lý và trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện người dân sống nhân dân nơi ở mới bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Không chia nhỏ các gói thầu gây rườm rà mất thời gian quản lý và lãng phí nguồn lực...
Thủ tướng Phạm Minh khẳng định, đối với cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây có vai trò quan trong trong việc kết nối vùng phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Thanh Hóa, Ninh Bình nói riêng, các địa phương của vùng cả cả nước nói chung.
Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải vận hành hiệu quả an toàn, hoàn chỉnh dự án trong tương lai. UBND các tỉnh tiếp tục quan tâm chăm lo cho những người dân nhường đất để thực hiện dự án, nhất là sinh kế của người dân ổn định bền vững. Tận dụng tối đa tuyến đường đi qua để quy hoạch lại địa phương một cách phù hợp nhằm phát huy tối đa lợi ích mà cao tốc đem lại.
Ngay sau lễ khánh thành các phương tiện ô tô ở 2 đầu tuyến bắt đầu được lưu thông trên cao tốc. Ghi nhận cho thấy, phía nút giao Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành- Dầu Dây hàng ngàn phương tiện ô tô của người dân từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đã lưu thông vào cao tốc để đến các khu du lịch miền Trung nghỉ dưỡng trong kỳ nghỉ lễ.