Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết Bộ Thông tin và Truyền thông
Doanh thu toàn ngành ước đạt 3.893.595 tỷ đồng
Ngày 18/12/2022, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành dự Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông |
Tiếp nối các thành tích đã đạt được, năm 2022, ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục nỗ lực phấn đấu và đã đạt thêm nhiều kết quả quan trọng. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ. Công tác báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 98.982,30 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2021.
Tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so với năm 2021. Năng suất lao động ngành Thông tin và Truyền thông (tính theo đóng góp vào GDP) ước đạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động là 6,7% so với năm 2021.
Đóng góp của kinh tế số cho GDP ước đạt khoảng 14,26%
Trong đó, về lĩnh vực bưu chính: Sản lượng bưu gửi tăng 38%; Doanh thu dịch vụ bưu chính tăng 16%; Đóng góp vào GDP của lĩnh vực Bưu chính tăng 16%; Số lượng doanh nghiệp bưu chính tăng 12%, so với năm 2021.
Lĩnh vực viễn thông: Điểm nổi bật là ngày 09/11/2022, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, thúc đẩy việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả, góp phần phát triển hạ tầng số.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông |
Một nhiệm vụ lớn ngành Viễn thông đã hoàn thành trong năm 2022 là: Các doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành phủ sóng cho 2.152/2.418 điểm lõm sóng là các thôn, bản trên toàn quốc. Như vậy tỉ lệ thôn đã có sóng trên toàn quốc đạt 99,73%.
Năm 2022, doanh thu dịch vụ Viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021. Thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone ước đạt 75,80%, tăng 1,4% so với năm 2021.
Lĩnh vực Chuyển đổi số quốc gia và Chính phủ số: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hàng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày 10/10/2022, Bộ TT&TT đã tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022. Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và triển khai Nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại địa chỉ https://onetouch.mic.gov.vn (Nền tảng OneTouch), đã triển khai bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương; thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, phổ cập kỹ năng số cho người dân.
Về lĩnh vực An toàn thông tin mạng: Trong 11 tháng đầu năm 2022, đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.328 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.342 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,33 triệu người dân (tương ứng 6,8% người dùng internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Lĩnh vực Kinh tế số và Xã hội số: Đóng góp của kinh tế số cho GDP năm 2022 ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26% , trong đó, kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,18%.
Lĩnh vực Công nghiệp ICT: Doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.
Đóng góp vào GDP của lĩnh vực Công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 34.336 triệu USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.
Trong lĩnh vực báo chí, truyền thông: Công tác báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông |
Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố bộ tiêu chí nhận diện và quyết liệt chấn chỉnh, xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội, biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí. Công tác xử lý vi phạm chuyển hướng sang xem xét, xử lý trách nhiệm cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan báo chí. Buộc các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới tuân thủ, rà soát, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc đạt trên 90% yêu cầu của Nhà nước Việt Nam.
Lĩnh vực Xuất bản: Doanh thu Lĩnh vực Xuất bản, In, Phát hành ước đạt năm 2022 là 96.433 tỷ đồng tăng trưởng 5% so với năm 2021. Số đầu xuất bản phẩm in năm 2022 ước đạt 39.700, tăng nhẹ so với năm 2021. Số đầu xuất bản phẩm điện tử ước đạt 3.200 tăng 59% so với năm 2021.
Công nghiệp công nghệ số trở thành nền công nghiệp nền tảng
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Năm 2022 là năm Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, công nghiệp công nghệ số, giao dịch điện tử.
Nghị quyết Trung ương 6 khoá XIII đã chính thức coi chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hoá đất nước. Công nghiệp công nghệ số trở thành nền công nghiệp nền tảng.
Nhiệm kỳ này, nhiều bộ luật của ngành được sửa đổi. Luật Tần số Vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Báo chí.
Năm 2022, là năm Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung làm các chiến lược quốc gia cho từng lĩnh vực. Một số chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Các chiến lược còn lại đang ở giai đoạn hoàn thiện cuối cùng.
Đó là chiến lược bưu chính, chiến lược hạ tầng số, chiến lược chính phủ số, chiến lược kinh tế số và xã hội số, chiến lược an toàn an ninh mạng của Bộ Công an, chiến lược công nghiệp công nghệ số và chiến lược chuyển đổi số báo chí.
"Chuyển đổi số đã trở thành toàn dân, toàn diện với việc tất cả các bộ, ngành địa phương đã ban hành nghị quyết, chương trình chuyển đổi số. 500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam là con số lớn, chưa từng có. Các giao dịch, kết nối về chia sẻ dữ liệu tăng gần 5 lần. Các Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn bản đã được thành lập và đi vào hoạt động" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Năm 2022 là năm mà các doanh nghiệp công nghệ số tấn công mạnh mẽ tại thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số cho các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel về viễn thông đạt 3 tỷ USD, của FPT về công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã đạt 1 tỷ USD.
Với những thành tích đạt được xuyên suốt trong thời gian qua và trong năm 2022, nhân dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. |