Cuối giờ chiều ngày 28/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Thành ủy- HĐND-UBND Thành phố Hà Nội về tình hình kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021.
Tham dự buổi làm việc có Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP và lãnh đạo các sở, ngành TP; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng tham dự tại buổi làm việc.
Sản xuất kinh doanh có tín hiệu khởi sắc rõ rệt
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Chu Ngọc Anh- Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, 3 tháng đầu năm 2021 sản xuất kinh doanh có tín hiệu khởi sắc rõ nét. GRDP ước tăng 5,17% - gấp 1,25 lần mức tăng cùng kỳ. Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đều tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,7% - cao gấp 1,75 lần so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 6,8% - cao gấp 3 lần so với cùng kỳ. Thành phố đã thực hiện tốt hoạt động kết nối, tiêu thụ nông, thủy sản các tỉnh, thành phố và quận, huyện trên địa bàn gặp khó khăn về tiêu thụ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3 tháng đầu năm tăng 0,04% - thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,23%). Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,12 tỷ USD, giảm 1% (quý I/2020 giảm 18,1%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 6.988 triệu USD, tăng 4% (quý I/2020 giảm 21,3%).
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội thông tin về tình hình kinh tế- xã hội của Thủ đô 3 tháng đầu năm 20201 |
Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 67.165 tỷ đồng, tăng 8,2% - gấp 1,58 lần so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 101,5 triệu USD. Thu hút 20 dự án đầu tư vốn trong nước, tổng số vốn 3.241 tỷ đồng. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.622 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 23.610 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 72.753 tỷ đồng, đạt 30,9% dự toán Trung ương giao (28,9% dự toán Thành phố giao), bằng 101% so với cùng kỳ...
Bên cạnh kết quả tích cực nêu trên, ngành du lịch vẫn khó khăn, khách du lịch giảm mạnh do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội là 280 nghìn lượt, giảm 87,7% (quý I/2020 giảm 47,2%).
9 tháng cuối năm 2021, Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế. Huy động nguồn lực, kích thích sản xuất kinh doanh…. Tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương.Tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục đầu tư, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án….
Các vấn đề về đầu tư công, quy hoạch, cải tạo chung cư cũ đã được Hà Nội kiến nghị lên Thủ tướng
Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp 9 tháng cuối năm 2021 và để tạo tiền đề thực hiện các nhiệm vụ cho các năm từ 2021- 2025, Thành phố Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm ký ban hành Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 97/2019/QH14 để thành phố Hà Nội triển khai thực hiện.
Về lĩnh vực kế hoạch đầu tư công, dự kiến kế hoạch 2021-2025, tổng nhu cầu chi của Thành phố giai đoạn 2021-2025 là 965 nghìn tỷ đồng, trong đó nhu cầu đầu tư công khoảng 650 nghìn tỷ đồng, khả năng cân đối ngân sách Thành phố Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 30-35% nhu cầu…. Để thực hiện được nhiệm vụ, UBND Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố Hà Nội trên mức 35%; Hỗ trợ thành phố Hà Nội thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, khi triển khai đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị; thống nhất chủ trương phát triển đồng bộ các cầu qua sông Hồng.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Để thực hiện đồng bộ, nâng cao tính khoa học, tính khả thi và thực tiễn khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành, UBND Thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tỷ lệ đất đô thị và nông thôn toàn Thành phố lên 40% - 60%; cho phép nghiên cứu quy hoạch sân bay dân dụng thứ 2 tại địa bàn Thành phố để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 100 triệu hành khách/năm;….
Về công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng 1.579 chung cư cũ hầu hết được xây dựng từ những năm 1960 đến 1992, từ năm 2014 đến nay mới thực hiện cải tạo, xây dựng lại được 18 chung cư, tiến độ thực hiện chậm do có nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, về phương pháp tổ chức thực hiện. Để thực hiện được chủ trương mang tính xã hội và yêu cầu tái thiết đô thị cao, Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để Thành phố chủ động tổ chức tổng kiểm định kỹ thuật chung cư cũ, tổ chức lập toàn bộ quy hoạch cải tạo, tái thiết chung cư cũ; nghiên cứu áp dụng phân làm 03 mô hình cấp độ gồm: Khu chung cư cũ: quy mô lập đồ án quy hoạch chi tiết; Nhóm chung cư cũ: quy mô lập tổng mặt bằng; Tập hợp các chung cư cũ độc lập, đơn lẻ: quy mô lập tổng mặt bằng nhà đơn lẻ + đề án nghiên cứu phương thức quy gom tái định cư tại chỗ trên địa bàn phường, quận. Để từ đó có cơ chế chính sách, biện pháp tổ chức triển khai phù hợp nhằm phát huy tối đa giá trị quỹ đất, khai thác hiệu quả kinh tế và tính khả thi dự án, đồng thời có phương án tạm cư, tái định cư phù hợp nhất, trên cơ sở đó nghiên cứu bổ sung vào nội dung đề xuất cơ chế chính sách đặc thù;...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tham dự buổi làm việc |
Hà Nội cần có mô hình mới để đóng góp vào mô hình tăng trưởng
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao thành công toàn diện của Hà Nội trong năm 2020 với tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,4 lần cả nước, quy mô đạt 45 tỷ USD của nền kinh tế, vượt thu 25 nghìn tỷ đồng. Bộ mặt Thủ đô có sự thay đổi nhanh, nhất là xây dựng nông thôn mới, đã vượt thời gian 2 năm. Chính trị an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Môi trường đầu tư được cải thiện.... Đặc biệt, 3 tháng đầu năm 2021, kinh tế- xã hội có nhiều khởi sắc của Hà Nội tương đối rõ nét, các chỉ tiêu đều cao hơn cùng kỳ.
Nhấn mạnh Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, trung tâm giao lưu của cả nước, cả nước nhìn vào, thế giới trông vào Thủ đô, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội tiếp tục phấn đấu xây dựng Thủ đô bình yên, tươi đẹp mạnh khỏe cả thể chất và tinh thần.
Thủ tướng nhất trí quan điểm phát triển đối với Hà Nội là “xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương”, xây dựng thành phố năng động và hội nhập, thành phố kiến tạo phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường sống hướng đến các tiêu chuẩn OECD.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc |
Cho rằng Hà Nội rất nhiều thời cơ, nhiều thách thức, Thủ tướng yêu cầu Thành phố tập trung huy động cả hệ thống chính trị, người dân thủ đô cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố 17 và Nghị quyết Đại hội Đảng 13 bằng các chương trình hành động cụ thể và phân công các đồng chí lãnh đạo; Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ đóng góp vào thành tích chung của cả nước; Chỉ đạo thực hiện cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vào ngày 23/5 tốt nhất.
Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội tiên phong trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. “TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang xây dựng mô hình trung tâm tài chính quốc tế, Hải Phòng có mô hình tăng trưởng mới, TP. Hồ Chí Minh có thành phố Thủ Đức mới, “thành phố trong thành phố”, vậy Hà Nội có mô hình nào để đóng góp vào sự tăng trưởng”, Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh Hà Nội cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Về những kiến nghị của Thành phố tại Hội nghị, Thủ tướng cơ bản đồng tình, giao cho các đơn vị chức năng tổng hợp phối hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cho biết, về việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ ký trưa nay (28/3) và tối nay (28/3) sẽ công bố và có hiệu lực tức thì.
Về điều tiết ngân sách cho thành phố Hà Nội, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội xác định tỷ lệ điều chỉnh ngân sách của Thành phố giai đoạn tiếp theo cho phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Về hỗ trợ Hà Nội thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản 1642, những công trình đề nghị ở đây ghi vào kế hoạch trung hạn để hỗ trợ cho Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ cũng rất ủng hộ đề xuất cho phép Thành phố Hà Nội rà soát quỹ nhà đất công dôi dư sau khi sắp xếp trụ sở, di dời cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế... và giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần ủng hộ, xử lý, không để lãng phí....
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý với các đề xuất về tháo gỡ vướng mắc về bố trí vay vốn nước ngoài phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo;… Về cải tạo chung cư cũ, Thủ tướng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội có cuộc họp thảo luận với Bộ Xây dựng tìm ra cơ chế để giải quyết vấn này.