Đang diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI |
Phát biểu kết luận Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, sáng 16/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng đã trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề mà các bên cùng quan tâm.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; hoàn thiện, trình ban hành kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đáp lại sự tin tưởng và kỳ vọng của các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam có 3 cam kết với nhà đầu tư: Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.
Thứ hai, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài để bảo đảm lợi ích, ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và bền vững.
Về băn khoăn của các nhà đầu tư đề cập tại hội thảo, ngoài những nội dung trả lời từ các bộ ngành liên quan, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ triển khai 3 trụ cột.
Cụ thể, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt: Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Đồng thời, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không": Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam cũng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nguồn lực bên trong (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa-lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 16 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP).
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từ đó giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bám sát, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực để phản ứng chính sách kịp thời, chủ động, hiệu quả với các nhà đầu tư.
Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm hoạt động, sản xuất, kinh doanh.
Việt Nam sẽ tiếp tục là hình mẫu về khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia, hơn 30 đối tác có quan hệ từ Đối tác toàn diện trở lên.
Triển khai các công việc có trọng tâm, trọng điểm như tập trung xây dựng hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài tham dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng cho biết, vừa qua, trong bối cảnh khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô; tăng trưởng được thúc đẩy; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bội chi ngân sách và nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động, sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng bày tỏ chia sẻ và thông cảm với các nhà đầu tư về những khó khăn, thách thức trong bối cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn khiêm tốn nhưng độ mở lớn, sức chống chịu trước các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn tới bên trong.
Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả quan trọng đạt được nêu trên là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là sự ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tính đến hết tháng 9/2023, đã có 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38,3 nghìn dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD, tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động.
Theo đó, Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam".
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương: Tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển".
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển đất nước.
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…
Nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành; trên cơ sở đó, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế. Vướng mắc ở đâu thì giải quyết ở đó, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.
Đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư ngoài nhà nước, trong đó có đầu tư nước ngoài. Phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gắn với hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là về chính sách tài khóa, tiền tệ, dự báo sát thực tiễn để có phản ứng chính sách phù hợp, linh hoạt, kịp thời.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị: Nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, bám sát các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng của Việt Nam. Các quy hoạch này được xây dựng và ban hành với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, vì lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đóng góp cho Nhà nước, Nhân dân Việt Nam.
Các hiệp hội cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; kịp thời thông tin, báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; kịp thời kiến nghị, đề xuất các chính sách, pháp luật phù hợp.
Cùng với đó, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển chuỗi cung ứng, đào tạo nhân lực, đầu tư hạ tầng, xây dựng và hoàn thiện thể chế, đổi mới quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại.