Phân công nhiệm vụ 3 Phó Thủ tướng Chính phủ Thủ tướng Chính phủ: Các bộ, ngành thực hiện 30 nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán |
Ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề ra nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác năm 2023 và thời gian tới.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan phát biểu về những kết quả đạt được trong công tác phối hợp thời gian qua; những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, bài học kinh nghiệm; những giải pháp thiết thực để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho công nhân lao động, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các bộ, ngành cũng nêu ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của các cấp công đoàn.
Nhiều ý kiến tại hội nghị đặc biệt quan tâm vấn đề nhà ở công nhân. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, khảo sát cho thấy nhu cầu mua nhà phần lớn thuộc về các công nhân có việc làm ổn định, thu nhập khá, còn những công nhân có thu nhập thấp hơn có nhu cầu thuê nhà. Mặt khác, có 2/3 công nhân có con nhỏ gửi về quê, đồng thời nhiều công nhân dành khoảng 2/3 thu nhập gửi về quê hỗ trợ người thân và nuôi con nhỏ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị |
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc tổ chức thực hiện của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động, nhất là triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề có liên quan, góp phần đưa hoạt động công đoàn ngày càng thực chất, hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân.
Thủ tướng nêu rõ, để triển khai các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Chính trị, ngay trong tháng 1 vừa qua, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, bài bản, chặt chẽ, khoa học, bám sát thực tiễn để giải quyết công việc tồn đọng, các nhiệm vụ thường xuyên, các vấn đề phát sinh, xử lý các khó khăn, vượt qua các thách thức, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
Đồng thời, Thủ tướng đánh giá, năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên tất cả các mặt.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế trên đà phục hồi, các cân đối lớn được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động, việc làm đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống nhân dân được cải thiện. An sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền được giữ vững. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả tích cực. Uy tín, vị thế của nước ta tiếp tục được nâng cao.
Đặc biệt, đánh giá về Tết Quý Mão 2023, Ban Bí thư đã khẳng định: Chúng ta đã tổ chức Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Nhìn chung mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn lực, thời gian có hạn, yêu cầu thì cao, phải chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, thực chất, mang lại hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được, đáp ứng những nhu cầu thiết thực của công nhân, người lao động. Năm 2023, Thủ tướng đề nghị tập trung, ưu tiên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực cho 3 công việc trọng tâm, đột phá.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian tới đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động |
Thứ nhất là tăng cường tạo công ăn, việc làm cho công nhân, người lao động thông qua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn liên quan các thị trường, hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn; đồng thời nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng cho công nhân đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ hai là giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân "an cư lạc nghiệp". Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo.
Thứ ba là từng bước giải quyết, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe người lao động. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo trực tiếp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý 3 Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo các bộ ngành có liên quan phối hợp với Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam họp bàn mục tiêu, mục đích, giải pháp, nguồn lực, cách tổ chức thực hiện hiệu quả và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 2/2023.
Thủ tướng cũng cho ý kiến, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan về các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động liên quan đến Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất'; chính sách hỗ trợ ngư dân, đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam; chính sách phát triển giáo dục mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP; xử lý doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện của người lao động và giải pháp cụ thể bảo đảm quyền lợi của người lao động là nạn nhân; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở các đơn vị, doanh nghiệp ngành giao thông vận tải, ngành xây dựng để thanh toán nợ tiền lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội; có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh; thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng; bố trí ngân sách phát triển cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông công nhân lao động, khám chữa bệnh đối với công nhân lao động có thu nhập thấp; thực hiện Đề án cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương; sửa đổi Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước để giúp Tổng Liên đoàn xác định rõ thẩm quyền là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, được áp dụng quy định theo Nghị định số 10/2019/NĐ-CP trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của tổ chức công đoàn; nghiên cứu ban hành chính sách phù hợp để tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân, thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021.
Trong đó, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn phối hợp, tham gia chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; chủ động đánh giá những vướng mắc để đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong thực hiện quy định này, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Đồng thời, các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chồng chéo, khoảng trống của pháp luật trong thời gian chưa sửa các Luật liên quan.