Thủ tướng Anh đàm phán với từng nước thành viên EU nhằm nỗ lực thay đổi thỏa thuận Brexit
Động thái này diễn ra vài ngày sau khi bà May tiếp tục nhận được thất bại khác từ các nhà lập pháp tại cuộc bỏ phiếu ngày 14/2 và khi các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho phương án Brexit không thỏa thuận vào ngày 29/3. Trong cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo EU và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Anh sẽ tìm cách thay đổi vấn đề biên giới Ailen, một trong những phần gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đã thống nhất hồi tháng 11/2018.
Bà May đã nói với các nhà lãnh đạo EU rằng, Chính phủ Anh có thể thông qua thỏa thuận Brexit với những nhượng bộ chủ yếu xoay quanh vấn đề biên giới Ailen - một sự bảo đảm sẽ không có việc kiểm soát biên giới giữa tỉnh Bắc Ailen của Anh và Ailen - thành viên EU. Nhưng một thất bại nữa trong cuộc bỏ phiếu mang tính biểu tượng trong Quốc hội ngày 14/2 vừa qua đã làm suy yếu cam kết của Thủ tướng Anh và làm tăng nguy cơ về một Brexit không có thỏa thuận trong vòng 40 ngày nữa. Vấn đề “điểm dừng” ở biên giới Ailen đã trở thành một trong những điểm gây tranh cãi chính trước kế hoạch Anh rời khỏi EU trong tháng tới sau 45 năm gắn bó. Trong lá thư gửi các nhà lập pháp, Thủ tướng Anh yêu cầu tạm gác lại “các ưu tiên cá nhân” và đoàn kết vì lợi ích của nước Anh bằng cách ủng hộ thỏa thuận Brexit.
Bộ trưởng Văn hóa Jeremy Wright ngày 17/02 cho biết, những thay đổi cần phải được thực hiện cho vấn đề biên giới Ailen, và điều đó không nhất thiết có nghĩa là thỏa thuận cần phải được mở lại. Ngày 18/02, Bộ trưởng Brexit Steve Barclay sẽ có cuộc đàm phán với Trưởng đoàn EU Michel Barnier và ngày 19/02, Tổng chưởng lý Geoffrey Cox sẽ có phát biểu về những yêu cầu loại bỏ rủi ro pháp lý mà Anh có thể bị mắc kẹt trong vấn đề biên giới Bắc Ailen một cách vô thời hạn. Văn phòng Thủ tướng Anh chưa xác định được lịch gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker.
Trừ khi Thủ tướng Theresa May có thể có được thỏa thuận Brexit với sự phê chuẩn của quốc hội Anh, bà May sẽ phải quyết định xem có nên trì hoãn Brexit hay đẩy nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào tình trạng hỗn loạn bằng cách rời khỏi EU mà không có thỏa thuận vào cuối tháng 3. Khi thời gian đến ngày Brexit đang rất gần, các doanh nghiệp cho biết họ không còn lựa chọn nào khác ngoài bắt đầu ban hành các biện pháp khẩn cấp để đối phó với kịch bản không thỏa thuận. Thời gian đã trở thành một thứ xa xỉ mà nước Anh không còn nhiều nữa, vì vậy mọi người dân và các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho những tác động tiềm năng ngay lập tức, bởi Brexit không thỏa thuận sẽ là “một kịch bản thảm khốc”.