Thứ trưởng Phan Thị Thắng đồng chủ trì Hội nghị xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ
Chỉ đạo điều hành 31/07/2024 13:08
Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Nam Bộ trong xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu Xuất nhập khẩu hàng hoá 7 tháng đầu năm gần chạm mốc 450 tỷ USD |
Sáng 31/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh và ông Trần Văn Mi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh và ông Trần Văn Mi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng chủ trì hội nghị (Ảnh: Thanh Minh). |
Sự kiện gồm 300 đại biểu là lãnh đạo UBND, lãnh đạo các Sở, ban ngành của 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh), lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistics… tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Ủy viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ - nhấn mạnh: Mặc dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Ủy viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ (Ảnh: Thanh Minh). |
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cả Vùng đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước; thu hút 11.390 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 31,1% vốn FDI của nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2023 đạt 220,5 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như: Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…
Đáng chú ý, cơ sở hạ tầng của vùng Đông Nam Bộ có sự phát triển rõ nét, phản ánh qua tiến độ xây dựng hàng loạt các dự án quan trọng như: Sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc; việc thúc đẩy các dự án lớn như Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa-Vũng Tàu (khu Cái Mép - Thị Vải)… Kết quả trên cho thấy khí thế mới, cách làm mới, tư duy, phương pháp luận mới và cách tổ chức thực hiện mới của vùng.
Đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Thanh Minh). |
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, vùng Đông Nam Bộ đang đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có những vấn đề như: Tốc độ phát triển của vùng thời gian qua chưa tương xứng so với tiềm năng; đóng góp của vùng trong GDP cả nước đang có xu hướng giảm, trong khi các tiềm năng dư địa, lợi thế còn đang rất nhiều, chưa khai thác hết.
Bên cạnh đó, công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý (khu vực trung tâm vẫn tập trung các khu công nghiệp (KCN) cần nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp). Đồng thời, chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực.
Cùng với đó, mối quan hệ vùng Đông Nam Bộ và liên kết vùng trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu còn chưa được quan tâm thỏa đáng.
Ngày 4/5/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Trong khuôn khổ hội nghị còn tổ chức khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của các địa phương vùng Đông Nam Bộ nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp trong vùng (Ảnh: Thanh Minh). |
Để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng. Đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, cần phải có hàng loạt các giải pháp, bao gồm các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.
Muốn vậy, vùng Đông Nam Bộ cần phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá. Đồng thời cần thẳng thắn nhìn nhận lại những điều đã đạt được hoặc chưa được từ những ghi nhận cần thực hiện tại Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ lần đầu tiên được tổ chức ngày 13/12 năm 2023 tại tỉnh Bình Dương, trọng tâm trong vấn đề xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu.
Lãnh đạo các Sở công Thương vùng Đông Nam Bộ và doanh nghiệp đóng góp ý kiến tại hội nghị (Ảnh: Thanh Minh). |
Tại hội nghị các diễn giả đến từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài… và các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp đã tập trung trao đổi, bàn thảo các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, có tính liên kết chặt chẽ với các hoạt động xúc tiến thương mại khu vực và quốc gia. Cùng với đó, tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp xuất khẩu của vùng, liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng, phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng.
Đồng thời, đưa ra các giải pháp, khuyến nghị tăng cường sự tham gia phối hợp của các doanh nghiệp đầu mối thu mua, phân phối, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm vùng Đông Nam Bộ... Qua đó, góp phần nâng cao thương hiệu hàng hóa xuất khẩu, đưa các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tham gia sâu và hiệu quả vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, các cơ quan thuộc Bộ Công Thương đã chia sẻ các thông tin thị trường, xu hướng thương mại quốc tế, cơ hội xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết,cũng như tận dụng các cơ hội thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Với vai trò là đầu tàu của nền kinh tế, là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ, luôn đi đầu trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế và dẫn đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu trong nhiều năm qua. Trong đó, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh đạt 97,8 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 42,5 tỷ USD.
Riêng 6 tháng năm 2024 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh đạt gần 49,9 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong ngạch xuất khẩu đạt 22 tỉ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hầu hết kim ngạch xuất khẩu theo mặt hàng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau… đều tăng. “Đây là một trong những điểm sáng của nền kinh tế và có ý nghĩa tạo đà tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm 2024”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng đánh giá. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều biến động, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 và những năm tiếp theo dự báo tiếp tục phải đối diện với nhiều thách thức và xu hướng bảo hộ thương mại, yêu cầu của các thị trường nhập khẩu về tiêu chuẩn “xanh”, “bền vững” ngày càng khắt khe. Do đó, TP. Hồ Chí Minh cùng cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phối hợp, tận dụng các nguồn lực tự nhiên (đặc biệt là mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm...), các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết. Để phấn đấu thực hiện 2 trong số các nhiệm vụ trọng tâm mà TP. Hồ Chí Minh đưa ra gồm: Liên kết để phát triển, nhất là tăng cường liên kết giữa nhà nước với nhà nước, doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với Nhà nước nói chung và đặc biệt là liên kết trong vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh bền vững, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng và “tính xanh" trong thương mại quốc tế; hướng tới “xanh” hóa sản phẩm - xuất khẩu các sản phẩm có dấu chân carbon thấp, thân thiện với môi trường để xây dựng hình ảnh “xanh” của DN trên thị trường, tạo nên lợi thế cạnh tranh. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Nhận thức được tầm quan trọng về vị trí, vai trò của vùng, do vậy nhiệm vụ liên kết vùng Đông Nam Bộ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là một trong những ưu tiên hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực. Khi các tỉnh thành trong vùng cùng nhau hợp tác, chúng ta sẽ tạo ra một thị trường nội địa rộng lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất với quy mô lớn hơn, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc liên kết vùng cũng giúp chúng ta tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, chia sẻ kinh nghiệm, hình thành các chuỗi cung ứng hiệu quả, từ đó nâng cao vị thế của các sản phẩm hàng hóa của vùng trên thị trường quốc tế. “Để thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, chúng ta cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng, xây dựng các cơ chế hợp tác chặt chẽ, nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...”, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh. |