Sáng ngày 6/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập.
Làm chủ công nghệ nền tảng trong lĩnh vực cơ khí
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, tiền thân từ Viện Thiết kế chế tạo cơ khí, chỉ với 30 cán bộ dưới sự lãnh đạo của cố Viện trưởng Trương Quang Đẩu, đến nay Viện đã có đội ngũ cán bộ khoa học và cộng tác viên khá hùng mạnh. Viện đã khẳng định là một đơn vị đầu ngành về công tác nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí - tự động hoá.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Nghiên cứu Cơ khí |
Trên thực tế, Viện là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp trong việc đặt nền móng và tạo các bước đột phá cho cho sự phát triển của ngành cơ khí trong nước. Hoạt động của Viện đã có tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển ngành, luôn hướng tới và đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ của các chương trình kinh tế trọng điểm của đất nước.
Để có được sự phát triển ổn định và bền vững, bên cạnh việc sớm làm chủ các công nghệ truyền thống, Viện đi lên từ các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, nghiên cứu phát triển và hiện đại hóa các công nghệ nền. “Tới nay, năng lực cán bộ Viện đã có bước tiến nhảy vọt không chỉ trong công tác nghiên cứu, thiết kế, mà Viện còn đủ năng lực làm tổng thầu EPC hay EPCM cho nhiều lĩnh vực” - TS. Phan Đăng Phong nhấn mạnh.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, với 60 năm xây dựng và phát triển, cho tới thời điểm hiện tại, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã khẳng định vị trí và đóng góp không nhỏ của mình trong hoạt động khoa học và công nghệ nói riêng và phát triển lĩnh vực cơ khí nói chung.
Những thành tựu mà Viện đạt được ngày hôm nay chính là nhờ vào những nỗ lực, cống hiến không mệt mỏi của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động qua nhiều thế hệ của Viện; cùng với tinh thần không ngừng vươn lên, không ngừng tự đổi mới để trở thành một tập thể vững mạnh, đơn vị đi đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của ngành cơ khí.
Từ các đề tài nghiên cứu khoa học do ngân sách nhà nước cấp, triển khai ứng dụng ở những phạm vi hẹp, đến thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ chỉ định thầu, đến nay, Viện đã vươn lên làm chủ và thực hiện việc chuyển giao nhiều công nghệ nền tảng trong lĩnh vực cơ khí, điển hình như công tác thiết kế các thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện.
“Trên 30 dự án thủy điện, kể cả dự án thủy điện Sơn La công suất 2400 MW, thủy điện Lai châu công suất đến 1200 MW có đóng góp của Viện với vai trò thiết kế, chế tạo thành công thiết bị cơ khí thủy công là một con số ấn tượng” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.
Không chỉ thành công ở khía cạnh khoa học, các dự án này đã tạo ra nhiều việc làm cho ngành cơ khí trong nước, đảm bảo tiến độ thi công, tiết kiệm đáng kể cho chủ đầu tư.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí |
Trong lĩnh vực nhiệt điện, việc làm chủ công tác thiết kế, chế tạo các hệ thống như lọc bụi tĩnh điện, thải xỉ, cấp than cho các dự án nhà máy nhiệt điện lớn như Sông Hậu I, Thái Bình 1, Nghi Sơn 2..., biến các sản phẩm này trở thành một trong các sản phẩm chủ lực của Viện là một thành tựu quan trọng, góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường của các nhà máy nhiệt diện theo chỉ đạo của Đảng và nhà nước trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đặc biệt đánh giá cao thành công của Viện trong việc làm chủ công nghệ thiết kế, sản xuất, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống phao nổi vào neo cho dự án điện mặt trời Đa Mi công suất 47,5 MW.
"Đây là dự án điện mặt trời nổi đầu tiên và lớn nhất trong cả nước tại thời điểm 2019; mở ra một hướng đi mới cho hoạt động nghiên cứu, triển khai của Viện gắn với thực hiện định hướng, chiến lược phát triển của ngành năng lượng giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045" - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu.
Bên cạnh đó, việc nhanh chóng triển khai các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0 với trọng tâm là các dây chuyền sản xuất tự động, các kho chứa thông minh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế số đã thể hiện sự nhanh nhạy trong phát triển sản phẩm khoa học và nâng cao không ngừng khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Không chỉ làm tốt vai trò của một tổ chức khoa học và công nghệ, Viện Nghiên cứu Cơ khí cũng trở thành đối tác tin cậy, có uy tín trong nhiều dự án, đơn vị như: Dự án chế biến bộ xít Tân Rai và Nhân Cơ, Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhà máy xi măng Nghi Sơn, Bỉm Sơn, Hoàng Mai, Sông Thao...
Tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, những khó khăn, thách thức là không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập toàn cầu cùng với sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng những công nghệ mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới trong công tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa.
Trong bối cảnh hiện nay, mỗi cá nhân, từng đơn vị trong Viện cần phải nhận thức sâu sắc và nỗ lực phát huy những kết quả đạt được, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo để tranh thủ cơ hội và khắc phục khó khăn, chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo đó phải xác định, mọi hoạt động khoa học và công nghệ phải gắn với sản xuất; đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ tư vấn và các dịch vụ chuyên môn phải bắt nguồn trước hết từ yêu cầu của thực tiễn và nhanh nhất trở lại phục vụ sản xuất; mối quan hệ hợp tác giữa Viện với các doanh nghiệp, gắn bó bằng những lợi ích chính đáng của các bên và theo những nguyên tắc của cơ chế thị trường.
Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Nghiên cứu Cơ khí |
Trên cơ sở các chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, định hướng hoạt động hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương, chiến lược phát triển của ngành cơ khí, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Viện tập trung thực hiện một số định hướng, nhiệm vụ chủ yếu như sau:
Thứ nhất, tập trung vào vấn đề phát triển con người, dành sự quan tâm hơn nữa tới đào tạo bồi dưỡng con người, không chỉ riêng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu của Viện, mà rộng hơn, Viện cần phải đóng góp chung cho sự nghiệp phát triển nhân lực chất lượng cao cho ngành cơ khí.
Thứ hai, nhanh chóng hoàn thiện, cụ thể hóa định hướng, chiến lược phát triển của Viện trong giai đoạn 10 năm tới với mục tiêu trở thành đơn vị nghiên cứu, triển khai hàng đầu ở Việt nam, có uy tín trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa.
Trong đó, cần bám sát định hướng của Đảng và Nhà nước trong phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng cũng như phát triển của công nghệ vật liệu mới trong lĩnh vực cơ khí; cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công Thương và Chính phủ trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển cũng công tác quản lý nhà nước của Bộ trong lĩnh vực cơ khí.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu triển khai, tăng cường sự gắn kết giữa các tổ chức về nghiên cứu, đào tạo trong nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhằm trao đổi, chia sẻ và đề xuất những giải pháp góp phần phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa; tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức trên thế giới có trình độ tiên tiến để hợp tác nghiên cứu, tiếp thu trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý, phù hợp xu thế hội nhập và sự phát triển nền công nghiệp 4.0.
Thứ tư, Viện cần đặt mục tiêu phấn đấu trở thành đầu mối cho việc xây dựng các quan hệ hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp cơ khí và lắp máy. Với năng lực xây dựng được về con người và các công nghệ nhận chuyển giao từ các đối tác nước ngoài, Viện không chỉ thực hiện thiết kế cho các dự án Viện thực hiện mà cần tham gia cùng các doanh nghiệp cơ khí trong nước thực hiện thiết kế, chế tạo các sản phẩm cơ khí, trong đó Viện đảm nhận chức năng tư vấn, thiết kế đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp chế tạo cơ khí nâng cao được năng lực thiết kế của riêng mình.
Thứ năm, tiếp tục rà soát, đổi mới tổ chức - bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; giữ vững truyền thống đoàn kết và thống nhất trong toàn Viện với vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hoạt động khoa học và công nghệ cho đội ngũ cán bộ, coi trọng vai trò và đặc thù của cả cán bộ trực tiếp làm khoa học và công nghệ cũng như của cán bộ quản lý.
Tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho những chuyên gia có kinh nghiệm, đồng thời phải phát huy tối đa năng lực của cả tập thể. Luôn quan tâm bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, kiến thức xã hội cho người lao động. Xây dựng Viện có đủ năng lực, trình độ chuyên môn vươn tầm khu vực.