Trưa 10/9, Phó Thủ tướng Chính Phủ Hồ Đức Phớc cùng và đại diện các bộ, ngành đã làm việc về công tác phòng chống lụt, bão tại Thái Nguyên - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3.
Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: Đức Minh |
Báo cáo với Phó Thủ tướng tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết: Đây là trận lụt lịch sử, hiện TP. Thái Nguyên có 81 xóm, tổ dân phố của 17 xã, phường nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, trong đó có 20 xóm, tổ dân phố bị cô lập. Mực nước sông Cầu dâng cao cũng đã gây ngập lụt trên diện rộng tại 8 xã ven sông ở huyện Phú Bình.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên báo cáo tình hình thiệt hại với Đoàn công tác. Ảnh: Hiếu Phạm |
Mưa lớn còn gây ngập úng cục bộ, nguy cơ xảy ra sạt lở tại một số khu dân cư. Mưa to và gió giật mạnh khiến mực nước ở nhiều sông, suối trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương và TP. Sông Công dâng cao, gây ngập úng cục bộ; một số xã, thị trấn và trường học bị chia cắt; nhiều hộ dân phải di dời người, tài sản… Đỉnh lũ dâng gần 28 m, tương đương mức đỉnh lũ cách đây 65 năm.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và tình trạng ngập úng tại nhiều khu vực, Thái Nguyên đã và đang tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ triển khai các biện pháp cấp bách hỗ trợ nhân dân sơ tán và di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt, nguy hiểm đến nơi an toàn.
Lãnh đạo các địa phương, các ngành chức năng trực tiếp đi kiểm tra tại những khu vực trọng điểm để kịp thời chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra như: Các công trình đê điều, vị trí, khu vực bị sạt lở đất và có nguy cơ sạt lở cao; các khu vực bị ngập...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: Đức Minh |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, ngành Công Thương đã triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung thực phẩm; xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, không để găm hàng, tăng giá. Ngành Công Thương cũng đang khẩn trương triển khai khôi phục hệ thống điện trong thời gian tới, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Qua báo cáo nhanh của Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, hiện trên địa bàn tỉnh có tổng số 27 khu, cụm công nghiệp có chủ đầu tư, trong đó có 12 cụm công nghiệp đã có doanh nghiệp hoạt động với 62 dự án đầu tư. Do ảnh hướng của bão số 3, tại cụm công nghiệp số 3 Đa Phúc bị tốc mái tôn (khoảng 500 m2); tình hình sản xuất kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản hoạt động ổn định.
Tại các siêu thị, cửa hàng tự chọn hàng hóa vẫn đảm bảo cung cấp cho nhân dân. Giá hàng hóa rau, củ, quả có tăng so với ngày thường; các mặt hàng khác giá ổn định. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, các siêu thị chủ động làm việc với nhà cung cấp, tăng gấp đôi nguồn cung ứng hàng hóa rau, củ, quả tươi sống..., đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến.
"Các cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas lớn trên địa bàn đã chủ động có kế hoạch và nhập hàng từ trước vào các kho, bể chứa. Đảm bảo cung ứng xăng dầu, gas cho sản xuất và sinh hoạt. Đến thời điểm hiện tại chưa có tình trạng tăng đột biến về sản lượng tiêu thụ", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Hồ Đức Phớc phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Hiếu Phạm |
Kết luận buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương tỉnh Thái Nguyên đã chủ động phòng, chống bão số 3 và mưa lũ sau bão với kế hoạch thống nhất, nhịp nhàng, cho nên dù đối mặt với trận lụt lịch sử nhưng thiệt hại ở mức thấp nhất về tài sản, không có thiệt hại về người, bảo đảm an ninh trật tự, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ.
Đề nghị tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó; không được chủ quan khi nước rút, tránh để tai nạn xảy ra; có kế hoạch khắc phục ngay những nơi ngập sâu, không để xảy ra dịch bệnh sau ngập lụt; cứu trợ, cứu đói cho dân;... đặc biệt là khắc phục cơ sở hạ tầng: Đường, điện, thông tin, giáo dục, y tế,... để sớm đưa học sinh đến trường, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc khắc phục hệ thống điện phải nhanh nhất nhưng cũng phải đảm bảo an toàn.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến đối với kiến nghị của tỉnh Thái Nguyên về hỗ trợ nguồn lực chống bão, khắc phục hậu quả sau bão; nâng cấp hệ thống đê hữu sông Cầu;..
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh phải đặc biệt quan tâm đến việc phục hồi sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp,... sớm trở lại bình thường.
TP. Thái Nguyên ngập sâu trong biển nước - Ảnh: Chí Tâm |
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính Phủ Hồ Đức Phớc và đại diện các bộ, ngành đã kiểm tra công tác phòng chống lụt, bão tại Thái Nguyên.
Thăm hỏi, tặng quà lực lượng phòng chống lụt bão tại phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên), Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu các lực lượng khẩn trương thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, đảm bảo tiếp tế đầy đủ lương thực cho người dân trong vùng bị ngập.
Đồng thời chú trọng công tác khắc phục hậu quả sau ngập lụt, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe người dân.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc kiểm tra đập Ba Đa, địa điểm xung yếu nhất của tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: Đức Minh |
Phó Thủ tướng động viên lực lượng phòng, chống bão lụt tại phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên. |
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thăm, động viên một gia đình hộ dân bên chân đập Ba Đa - Ảnh: Đức Minh |