Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu giải pháp đảm bảo nguồn cung và ổn định giá thịt lợn
Tin hoạt động 05/05/2020 20:58
Trả lời nội dung các cơ quan báo chí quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, trong thời gian vừa qua, báo chí và người dân phản ánh rất nhiều về giá thịt lợn tăng cao, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh, Thịt lợn không phải là mặt hàng Nhà nước quản lý giá mà tuân thủ theo cơ chế thị trường và quy luật cung – cầu hàng hóa.
Thịt lợn không phải là mặt hàng Nhà nước quản lý giá mà tuân thủ theo cơ chế thị trường và quy luật cung – cầu hàng hóa |
Phân tích về nguyên nhân giá thịt lợn tăng cao trong thời gian qua, Thứ trưởng cho biết, trước hết là những tác động của dịch tả lợn châu Phi đã là giảm mạnh tổng đàn lợn trong cả nước, theo số liệu tính toán, lượng giảm lên tới trên 50%. Ngay ở thời điểm này, nhiều địa phương cũng chưa công bố hết dịch tả lợn châu Phi, do đó, người nông dân chưa yên tâm đầu tư tái đàn, hơn nữa, chi phí đầu vào, nhất là con giống tăng cao, có nơi con giống lên tới 2-3 triệu đồng/con.
Tại thị trường Việt Nam, hiện có 21 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, chiếm khoảng 35% thị phần, 65% thị phần còn lại là do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung cấp và trong khi các hộ chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn như đã nói, là nguyên nhân khiến nguồn cung thị thị lợn khan hiếm.
Về tình hình nhập khẩu thịt lợn nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước theo Chỉ đạo của Chính phủ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, theo số liệu của cơ quan Hải quan, đến hết tháng chúng ta mới nhập khẩu được 45 nghìn tấn/kế hoạch 100 nghìn tấn. Trong khi đó, một yếu tố hết sức quan trọng tác động đến việc nhập khẩu thịt lợn chưa đạt kế hoạch là người dân trong nước không có thói quen sử dụng thịt lợn nhập khẩu, do đó, các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn trong việc nhập khẩu và tiêu thụ trong nước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt không rõ nguồn gốc... |
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, có 2 cách khắc phục là tái đàn và tăng cường nhập khẩu. Tuy nhiên, tái đàn thì không thể trong thời gian ngắn là có thể hoàn thành. Theo dự báo, cuối năm 2020, đàn lợn mới quay lại mức trước khi dịch tả lợn châu Phi diễn ra dù thời điểm này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực triển khai các giải pháp tái đàn lợn nhằm đáp ứng nguồn cung. Bộ Công Thương đang tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu thịt lợn, trong đó, việc tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đã được thực hiện. Cụ thể, các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ phải thực hiện khai báo về thú ý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là đủ điều kiện được cấp phép nhập khẩu.
Liên quan đến câu hỏi có hay không việc hình thành lợi ích nhóm để trục lợi trong hoạt động của một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Tài chính đã tổ chức các đoàn kiểm tra về thuế, phí cũng như các yếu tố cấu thành giá lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về cạnh tranh tại các doanh nghiệp, chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và kết quả không phát hiện dấu hiệu vi phạm. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, bản thân các doanh nghiệp chăn nuôi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, dù đã tích cực thực hiện yêu cầu của Chính phủ, các Bộ, ngành về việc giảm giá lợn hơi, song mức giảm không nhiều.