Thứ trưởng Đặng Hoàng An tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Điện lực Nam Phi
Tin hoạt động 23/06/2023 09:52
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài Kgosientsho Ramokgopa, Bộ trưởng Bộ Điện lực cùng đoàn liên ngành Nam Phi nhân dịp đoàn sang công tác tại Việt Nam để học tập kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, điện lực và điều tiết điện lực.
Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Điện lực Nam Phi |
Về phía Nam Phi có sự tham dự của Bà Bernice Swartz, Thứ trưởng Bộ Công trình công cộng và Cơ sở hạ tầng; Bà Vuyiswa Tulelo, Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam; cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Điện lực, Bộ Công trình công cộng và Cơ sở hạ tầng, Cơ quan Quản lý năng lượng quốc gia, Cơ quan đào tạo về sản xuất, thiết kế, xây lắp và các dịch vụ liên quan, Tập đoàn ESKOM.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An và Bộ trưởng Kgosientsho Ramokgopa đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề mà hai Bên cùng quan tâm trong lĩnh vực năng lượng, điện lực và điều tiết điện lực như: Cơ chế quản lý ngành điện, kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo (cơ chế giá FIT, xử lý nghẽn mạch, pin lưu trữ), đầu tư mở rộng lưới điện, điều hành hệ thống...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại buổi tiếp |
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Nam Phi hiện là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Năm 2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu hai chiều đạt gần 1,28 tỷ USD, tăng 0,4% so với năm 2021, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 879 triệu USD và nhập khẩu đạt 399,4 triệu USD. "Giữa hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng, dư địa để đẩy mạnh hơn nữa thương mại song phương, cũng như các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp và đầu tư" - Thứ trưởng nhận định.
Về tình hình phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực điện lực và năng lượng, ngày 15/5/2023, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng công bằng và phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo. Trong đó ưu tiên phát triển khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện.
Về kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo, Thứ trưởng cho biết việc áp dụng chính sách trợ giá FIT (Feed-in Tariff) một cách phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc giảm chi phí sản xuất (nhờ được trợ giá), giúp thu hút nhiều nhà đầu tư, qua đó mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, ngoài ra cần tính toán để vận dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá phù hợp để tăng tính cạnh tranh và bình đẳng trong tiếp cận tài nguyên.
Việc áp dụng cơ chế giá FIT cần được tính toán thận trọng, bởi nếu áp dụng như nhau đối với tất cả các dự án có thể sẽ dẫn đến sự đầu tư ồ ạt kéo theo áp lực về quá tải cho hệ thống vận hành gây mất an toàn, thậm chí là lãng phí làm giảm hiệu quả của các dự án năng lượng tái tạo. Trong quá trình hoạt động của hệ thống điện quốc gia, cần theo dõi sát, kịp thời xử lý tình huống khi xảy ra sự cố nghẽn mạch trên lưới điện truyền tải, lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi thiếu nguồn.
Bộ trưởng Bộ Điện lực Kgosientsho Ramokgopa cho biết, mục đích chính của chuyến công tác đến Việt Nam lần này nhằm học tập kinh nghiệm phát triển, quản lý của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, điện lực và điều tiết điện lực. |
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Bộ trưởng Kgosientsho Ramokgopa cho biết, Chính phủ Nam Phi luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực và thế giới, với quy mô GDP gần 410 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%.
Bộ trưởng thông báo mục đích chính của chuyến công tác đến Việt Nam lần này nhằm học tập kinh nghiệm phát triển, quản lý của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, điện lực và điều tiết điện lực.
Ngài Bộ trưởng Kgosientsho Ramokgopa cho biết, tình hình mất điện tại Nam Phi xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng từ cuối năm 2022. Đầu tháng 02/2023, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã phải ra tuyên bố “tình trạng thảm họa quốc gia” trước tình trạng thiếu điện dẫn đến cắt điện hàng ngày tại quốc gia này. Đến nay, tình trạng mất điện vẫn chưa được cải thiện và tiếp tục diễn biến phức tạp, với tần suất khoảng 10 tiếng/ngày.
Để khẩn cấp ứng phó với tình hình hiện nay, Bộ Điện lực Nam Phi đang tập trung hướng tới 3 mục tiêu chính: Củng cố và cải tiến hiệu suất các nguồn phát điện hiện có; Đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) và nghiên cứu đấu nối với mạng lưới điện hiện có; Đầu tư nâng cấp lưới điện và hệ thống phân phối, truyền tải điện.
Chia sẻ với những khó khăn, thách thức hiện nay của Nam Phi đang phải đối mặt về khủng hoảng thiếu điện, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, Chính phủ Nam Phi đã và đang có những phản ứng kịp thời, tích cực để giải quyết tình hình, trong đó có chuyến công tác do đích thân Ngài Bộ trưởng làm Trưởng đoàn sang Việt Nam. Thứ trưởng khẳng định Bộ Công Thương sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Nam Phi trong lĩnh vực này.
Sau buổi tiếp, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và đoàn liên ngành Nam Phi tiếp tục thảo luận, trao đổi cấp kỹ thuật về các nội dung liên quan trong lĩnh vực năng lượng, điện lực và điều tiết điện lực.