Thứ trưởng Bộ Công Thương giải trình về khoảng cách an toàn giữa khu dân cư và công trình điện gió
Lãnh đạo Bộ với cử tri, công dân 10/10/2022 12:24
Việt Nam có thể trở thành quốc gia có công trình điện gió với công nghệ tân tiến |
Sáng 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 09/2022.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại phiên họp |
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri tỉnh Bến Tre đề nghị làm rõ khái niệm “Khu dân cư” tại Thông tư số 02 của Bộ Công Thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió để có cơ sở áp dụng.
Qua giám sát cho thấy, tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 02 quy định: “Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 m”. Tuy nhiên, trong Thông tư này chưa giải thích khái niệm “Khu dân cư”, bên cạnh đó pháp luật cũng chưa có quy định thống nhất thế nào là “Khu dân cư” nên các địa phương gặp khó khăn khi triển khai thực hiện.
Theo đó, kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hướng dẫn để các địa phương có cơ sở áp dụng thống nhất về khoảng cách an toàn giữa “Khu dân cư” và công trình điện gió.
Cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 4 Điều 2 Thông tư số 04 của Bộ Công Thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo thống nhất với quy định tại Điều 32 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010.
Qua giám sát cho thấy, tại Điều 32 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định: “Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hằng năm”.
Trong khi đó, tại Điểm c Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 04 lại quy định trách nhiệm của Sở Công Thương: “Tổng hợp danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt…”.
Như vậy, mặc dù Luật quy định Thủ tướng Chính phủ là người có thẩm quyền ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hằng năm nhưng tại Thông tư số 04 lại giao cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt. Quy định của Thông tư số 04 không phù hợp với quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Vì vậy, kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04 phù hợp với quy định của Luật.
Giải trình về Thông tư 04 về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về Công Thương thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Thông tư này mới ban hành tháng 1/2022. Bộ Công Thương cũng nhận được phản ánh của cử tri cũng như Sở Công Thương các tỉnh, Bộ đã tiếp thu và dự kiến sẽ sớm sửa đổi thông tư này phù hợp với quy định của pháp luật.
Về khu dân cư tại các dự án điện gió, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, Thông tư 02/2019 của Bộ Công Thương đã quy định vấn đề này và đang áp dụng được 3 năm. Các công trình điện gió đã xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng chỉ có tỉnh Bến Tre phản ánh vướng mắc này. Theo đó, Điều 11 của thông tư quy định công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 mét.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thông tư trên góp phần cụ thể hóa các điều khoản của Luật Xây dựng và Luật Đất đai (phải bảo đảm ổn định cuộc sống của nhân dân; các công trình không lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung). Đặc biệt, Luật Đất đai có khẳng định, các công trình không được làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh...
"Khi thiết kế Thông tư 02/2019, chúng tôi cũng đã quy định công trình điện gió phải cách xa khu dân cư ít nhất là 300 m, đây cũng là một bước cụ thể hóa các quy định trong Luật Xây dựng cũng như Luật Đất đai để bảo đảm các công trình điện gió không gây ảnh hưởng quá to lớn đến khu dân cư" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã đề nghị làm rõ khái niệm khu dân cư. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng không thể hướng dẫn thế nào là khu dân cư theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các tỉnh là cơ quan có quyền quyết định những vấn đề kinh tế quan trọng ở địa phương. Xét bối cảnh mật độ dân số các tỉnh rất khác nhau, nên chăng Hội đồng nhân dân các tỉnh sẽ là nơi quyết định như thế nào là khu dân cư, trên cơ sở đó các công trình điện gió sẽ tuân thủ các quy định này của Bộ Công Thương.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nêu cách xử lý khác đó là Bộ Công Thương sẽ xóa bỏ quy định này trong thông tư và áp dụng theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Đất đai hiện hành… Tuy nhiên, lúc đó, khái niệm sẽ còn chung chung hơn là khái niệm khoảng cách 300 m của Bộ Công Thương và có lẽ tranh chấp sẽ còn xảy ra nhiều hơn.
Bộ Công Thương đang cân nhắc các phương án khác nhau, nhưng thiên về phương án, Hội đồng nhân dân các tỉnh hoàn toàn có thể hướng dẫn việc này, như thế nào là khu dân cư, nhưng nếu trong trường hợp không đạt được thống nhất với các bên liên quan, có lẽ sẽ phải cân nhắc các phương án khác như Bộ Công Thương sẽ không còn hướng dẫn về khoảng cách này... "Tiếp thu ý kiến của Ban Dân nguyện, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, chúng tôi sẽ hết sức nỗ lực cùng UBND tỉnh Bến Tre cũng như các UBND khác để đưa ra phương án tối ưu" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.