Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An: Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An: Việt Nam đặt ra 4 mục tiêu lớn trong chuyển dịch năng lượng |
Hai bên đã trao đổi về tình hình hợp tác năng lượng theo nội dung đã được thỏa thuận trong khuôn khổ Đối thoại An ninh năng lượng Việt Nam - Hoa Kỳ diễn ra vào cuối tháng 7/2022.
Năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn điện của Việt Nam đạt 78,12 GW, quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN và là một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới về đầu tư vào các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió và mặt trời). Hệ thống truyền tải điện đã được đầu tư và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu về phụ tải.
Nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP 26, Việt Nam định hướng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu nâng tỷ trọng công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo lên 25% vào năm 2020, 32% vào năm 2030 và 58% vào năm 2045. Đồng thời nâng cao tỷ trọng sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo lần lượt là: 6% năm 2020; 22% năm 2030 và 52% năm 2045.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam - Đặng Hoàng An |
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã chia sẻ những điểm mới và ưu tiên trong dự thảo Quy hoạch điện 8, theo đó, Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Theo đó, khuyến khích và tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng.
Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước, phát triển điện khí và có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý.
Trên cơ sở các định hướng nêu trên, nguồn điện sẽ được phát triển theo hướng đa dạng với cơ cấu hợp lý, trong đó dành sự ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo với sự phân bố phù hợp hơn tại từng khu vực.
Hệ thống lưới điện truyền tải được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn điện nhằm giải tỏa công suất từ các khu vực tập trung nguồn, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo cũng như đảm bảo ổn định lưới truyền tải và cung cấp điện với chất lượng tốt.
Ngoài ra, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng đề cập đến các khó khăn, thách thức cho triển khai kế hoạch phát triển năng lượng hướng tới các mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, trong đó thách thức lớn nhất là nguồn vốn đầu tư cho phát triển các dự án nguồn điện và lưới điện; khó khăn về công nghệ trong quá trình chuyển đổi năng lượng; kinh nghiệm và nguồn nhân lực …
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Hoa Kỳ - David Turk |
Đại diện Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, Thứ trưởng David Turk mong muốn phía Việt Nam đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi cũng như trong lĩnh vực sản xuất hydro.
Bên cạnh đó, ông David Turk cũng đề xuất sáng kiến Thế giới phát thải bằng không (Sáng kiến phát triển năng lượng sạch) và đề nghị hợp tác giữa hai chính phủ và các đơn vị nghiên cứu giữa hai bên cùng các doanh nghiệp.