Tiện ích và bất cập
Chính thức thí điểm tại Việt Nam từ năm 2016, taxi Uber và Grab đã khẳng định nhiều tiện ích, như: Giúp khách hàng biết trước tuyến đường, chi phí cho chuyến đi; tạo việc làm, thu nhập cho hàng vạn chủ xe… Dù vậy, có không ít băn khoăn, thắc mắc, thậm chí là phản đối loại hình vận tải mới này. Trước hết, về tốc độ gia tăng số lượng xe tham gia các dịch vụ, chỉ sau 2 năm thí điểm, số lượng xe trên cả nước đã lên tới khoảng 50.000 chiếc. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc tăng nhanh số lượng xe đã phá vỡ quy hoạch taxi, thậm chí quy hoạch giao thông của nhiều địa phương; đồng thời tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống.
Đặc biệt, khó khăn trong quản lý nộp thuế đối với loại hình dịch vụ vận tải Uber và Grab cũng là một hạn chế. Đến nay, cơ quan thuế đang ấn định tỷ lệ nộp thuế trên doanh thu với Uber, Grab theo quy định đối với nhà thầu nước ngoài (tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam), cứ có doanh thu là phải nộp thuế, trong khi các hãng taxi trong nước đang nộp thuế theo kê khai và được khấu trừ chi phí.
Trên thực tế, thuế khoán - kiểu thuế đang được áp dụng cho các hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương buôn bán nhỏ, còn thuế kê khai là của các DN kinh doanh. Như vậy, câu hỏi đặt ra là vì sao cơ quan nhà nước đang vận động các hộ cá thể lên DN để quản lý thuế theo phương pháp kê khai nhằm tránh thất thu thuế, nhưng với các đại DN như Uber, Grab thì vẫn áp dụng thuế khoán?
"Mỏ vàng" nhưng phải quản được
Tại buổi tổng kết thực hiện Quyết định 24/ QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về thí điểm ứng dụng khoa học - công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng, đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) thừa nhận, không phải nhà nước không quản lý được mà chúng ta chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng để quản lý toàn diện. Bộ Tài chính đã kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch & Đầu tư xác định rõ Uber, Grab có hoạt động gì, quản lý như thế nào, pháp nhân tại Việt Nam ra sao... Khi đó, cơ quan thuế mới thống nhất thu một cách chính xác.
Trong khi các bên liên quan còn chưa tìm được tiếng nói chung thì tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017, triển khai kế hoạch, giải pháp năm 2018 của Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn: "Cơ chế về thu ngân sách nhà nước hiện nay vẫn tư duy theo hướng coi trọng việc tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế". Thủ tướng nhấn mạnh, Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như: Kinh tế liên kết toàn cầu, chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử… mà cụ thể là các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng Facebook…
Theo Thủ tướng, đây là những "mỏ vàng" để mở rộng cơ sở thuế nhưng chúng ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lúng túng trong hoạch định chính sách để quản lý và khai thác các nguồn thu. Vì thế, cần phải rà soát lại các quy định về chính sách thuế hiện hành, so sánh, đối chiếu với các quy định, chuẩn mực quốc tế.