Theo đó, tại cuộc họp kiểm điểm công tác triển khai, quản lý, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng vào ngày 27/4 với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã khẳng định: “Đến ngày 30/6/2022, nếu không hoàn thành lắp đặt làn thu phí không dừng ETC, các trạm sẽ bị buộc ngừng thu phí”.
Trong khi Bộ GTVT tiếp tục “hứa” thời hạn hoàn thành lắp đặt các làn thu phí tự động ETC tại các trạm thu phí, thì trước đó ngày 22/4, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 1190/UBND-ĐT về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2022. Công văn cũng yêu cầu các trạm thu phí chủ động tạm dừng thu phí, xả trạm để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài...
Ảnh minh họa |
Có lẽ xả trạm để giải phóng phương tiện ùn tắc đang là biện pháp duy nhất hiện nay tại các trạm thu phí “trấn giữ” các cửa ngõ ra vào thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng như một số đô thị lớn khác trên cả nước phải thực hiện khi hiện tượng ùn, tắc các phương tiện giao thông xảy ra.
Anh Nguyễn Văn Quang - nhà xe Quang Nhàn tuyến Bắc Giang - Hà Nội - chia sẻ: “Chúng tôi giờ đây không còn mấy tin tưởng vào lời hứa của ngành giao thông. Tuy nhiên chúng ta cứ chờ xem lần này liệu Bộ GTVT có còn tiếp tục lỗi hẹn như những lần trước đó”.
Năm 2017, cách đây đúng 5 năm, lần đầu tiên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 437 về việc thu phí không dừng trên các tuyến quốc lộ với thời hạn sau 2 năm. Cuối năm 2019, khi thời hạn đã hết, Bộ GTVT xin lùi thời hạn thêm một năm với lí do thiếu vốn.
Đến cuối năm 2020, xe vẫn ùn tắc trước các trạm thu phí, và Bộ GTVT đã rút kinh nghiệm, không hứa thời hạn hoàn thành nữa. Điều đó có nghĩa là đến thời điểm hiện tại, sau rất nhiều lần gia hạn, “lời hứa” vẫn chỉ là “lời hứa”.
Vậy, vấn đề gì đang diễn ra khiến cho Bộ GTVT nhiều lần thất hứa trong vấn đề triển khai thu phí không dừng?
Bộ GTVT đã từng liệt kê ra nhiều khó khăn như thiếu vốn đầu tư, hệ thống khác nhau, người dân chưa sẵn sàng…
Trong những lý do được kể trên, lý do hệ thống khác nhau thuộc trách nhiệm của chính Bộ GTVT, bởi việc chọn lựa để quy định một hệ thống đồng nhất cho các tuyến đường bộ là vấn đề của chính Bộ này.
Lý do thiếu vốn, một phần do việc đầu tư hạ tầng thu phí không dừng chưa từng được coi là thành phần bắt buộc trong các hợp đồng BOT. Tuy nhiên việc thực hiện thu phí không dừng hoàn toàn có thể là một lĩnh vực mà chúng ta có thể thu hút đầu tư từ nguồn lực xã hội nên không thể coi đó là một khó khăn.
Lý do người dân chưa sẵn sàng hoặc các chủ phương tiện tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn khi dán thẻ định danh là ít thỏa đáng nhất. Bởi việc thu phí không dừng là lợi ích của chính người dân, nếu hệ thống vận hành tốt. Còn tại các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa thì các phương tiện giao thông mặc dù gặp khó khăn tuy nhiên nếu các phương tiện này khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ hoàn toàn có thể dán tại các khu vực trạm thu phí hoặc tại cơ quan đăng kiểm ở địa phương.
Điều quan trọng nhất, Bộ GTVT chưa bao giờ tỏ ra quyết liệt với nhiệm vụ này, sẵn sàng sai hẹn hết lần này đến lần khác. Sự thiếu quyết liệt của Bộ GTVT khiến không chỉ người dân nghi ngờ, mà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cường, cũng từng bày tỏ: “Dư luận đã nghi ngờ là việc không áp dựng thu phí tự động là có sự che giấu nguồn thu. Thực tế thanh tra kiểm tra cũng đã phát hiện những trạm thu phí bằng tay đã giấu không khai đúng nguồn thu như thực tế”.
Cùng với nhiều lần thất hứa từ Bộ GTVT và qua kết quả thanh kiểm tra đã từng được công bố tại một số trạm thu phí BOT, dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ việc chậm thu phí không dừng như hiện nay là có lợi ích ở đó. Có thể những chủ đầu tư đã cố tình làm chậm lại để không khai báo đúng số thu. Thậm chí người ta cũng có quyền nghi ngờ những người quản lý liệu có tiếp tay, cố tình bao che hay không.
Trong khi nhiều quốc gia,vùng lãnh thổ việc thu phí không dừng đã được họ thực hiện từ rất lâu. Điển hình như Đài Loan (Trung Quốc) chính quyền ở đây đã áp dụng thu phí không dừng từ năm 2004 và đến năm 2012 người Đài Loan đã có một hệ thống hoàn hảo, loại bỏ toàn bộ những vướng mắc của người sử dụng.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau 6 năm triển khai dịch vụ ETC, hiện cả nước mới có khoảng 2,7 triệu trên tổng số gần 5 triệu phương tiện được dán thẻ ETC (tính đến tháng 3/2022). Tính riêng trong năm 2022, tới thời điểm này, các nhà cung cấp dịch vụ mới dán thêm thẻ cho khoảng 200 ngàn xe; số phương tiện nạp tiền sử dụng dịch vụ đạt khoảng 60%. Cùng với đó, trên toàn quốc đã có 113 trạm thu phí đưa vào vận hành hệ thống thu ETC. Trong đó, Bộ GTVT quản lý 69 trạm, địa phương quản lý 44 trạm.
Trước đó, trong Công điện số 155/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 về việc đẩy nhanh tiến độ dán thẻ thu phí giao thông đường bộ điện tử không dừng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trên cả nước chỉ đạo việc dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị để sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí. Đồng thời, tổ chức vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với xe ô tô cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022.
Tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là đến bao giờ thì người dân có thể thoát khỏi cảnh ùn tắc tại những trạm thu phí thủ công, nhất là vào mỗi dịp nghỉ lễ, tết? Câu trả lời phụ thuộc vào Bộ GTVT có muốn thực hiện được lời hứa của mình hay không.
Sau 5 năm với rất nhiều hứa hẹn, việc triển khai thu phí không dừng trên các tuyến quốc lộ vẫn không thể thực hiện. Bộ GTVT liên tục xin lùi thời hạn, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần phải chấp nhận, dù trước đó đã đưa ra những thời hạn cuối cùng. |