Thu lãi khủng từ phát hành sách, Nhà xuất bản Giáo dục nói gì?
Giáo dục - Đào tạo Thứ ba, 05/07/2022 - 14:19 Theo dõi Congthuong.vn trên
Nhà xuất bản Giáo dục “gặt hái” lãi 287 tỷ đồng nhờ phát hành sách |
Trước đó, như Báo Công Thương đã đưa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa công bố "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021", với nhiều kết quả khả quan. Đơn vị này có vốn điều lệ 596 tỉ đồng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%.
Theo báo cáo, năm vừa qua nhà xuất bản đã phát hành hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa. Đây là kết quả kinh doanh cao kỷ lục nhờ sản lượng phát hành sách giáo khoa vượt 40% so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, năm qua nhà xuất bản ghi nhận doanh thu hơn 1.828 tỉ đồng, trong đó nguồn thu từ hoạt động phát hành sách (sách giáo khoa, sách tham khảo, xuất bản phẩm khác...) chiếm tới 97%, phần còn lại thuộc về nguồn thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.
![]() |
Năm 2021, Nhà xuất bản sách gặt hái được lãi ròng sau thuế tới 287 tỉ đồng, tương đương cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao |
Đơn vị này gặt hái được lãi ròng sau thuế tới 287 tỉ đồng, tương đương cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo (cơ quan chủ quản) giao cho. Đây cũng là mức lợi nhuận cao, vượt qua con số dao động bình quân từ 120 - 150 tỉ đồng của những năm trước.
Về khả năng sinh lời, nhà xuất bản có tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) là gần 40%, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) đạt gần 18%.
Bên cạnh đó, về hoạt động kinh doanh của 7 công ty con trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2021, các công ty này đều có lợi nhuận dương. Trong năm, Nhà xuất bản Giáo dục đã nhận được hơn 10 tỷ đồng cổ tức từ các công ty con trên tổng số 102 tỷ vốn đầu tư, đạt tỷ suất lợi nhuận bình quân 9,9%.
Sau khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố lợi nhuận sau thuế của năm 2021, đã có nhiều ý kiến băn khoăn về những con số này.
Thông tin về vấn đề này, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục cho rằng, không thể dùng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 để tính toán cho các năm tiếp theo vì các lý do: vật tư (giấy in) chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá sách giáo khoa.
“Đặc biệt, năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục mua được vật tư ở thời điểm có giá thấp nên sách giáo khoa có lãi” - đại diện Nhà xuất bản Giáo dục cho biết.
Trong đó, về sản lượng sách giáo khoa, vì năm 2020, 2021 là các năm đầu áp dụng sách giáo khoa mới đặc biệt ở các lớp 1, 2 của bậc tiểu học nên số lượng phát hành lớn. Trong các năm tiếp theo, và theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tỉ lệ sử dụng lại sách giáo khoa và sử dụng sách trong thư viện sẽ tăng lên.
"Do đó số sách phát hành trong các năm tiếp theo sẽ giảm. Đồng thời, năm 2022 Nhà xuất bản Giáo dục đã giảm giá sách giáo khoa nên kết quả các năm tiếp theo dự kiến sẽ giảm" - đại diện Nhà xuất bản thông tin.
Theo Nhà xuất bản Giáo dục, còn một điều nữa là sách giáo khoa là mặt hàng không thể điều chỉnh tăng/giảm ngay lập tức như một số mặt hàng khác nên Nhà xuất bản Giáo dục đã tính toán giá sách giáo khoa trên cơ sở giữ ổn định giá trong cả quá trình.
Với những biến động tăng hiện nay về giá vật tư đầu vào (giấy, mực, keo...), xăng dầu, lương tối thiểu... thì hiệu quả (lãi) của mảng sách giáo khoa sẽ có biến động giảm mạnh.
Thông tin thêm, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục cho biết, trong số các sản phẩm mang lại doanh thu, sách giáo khoa, bao gồm sách giáo khoa và sách bổ trợ, là nguồn thu chính (chiếm 87%).
Nhưng để đánh giá tác động của việc giá sách giáo khoa mới (thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018) và sách giáo khoa hiện hành (thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2000 do Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền xuất bản) thì phải tách bạch doanh thu và lợi nhuận của hai dòng sách này.
Năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục phát hành 164,6 triệu bản sách giáo khoa, vượt mức khoảng 40% so với kế hoạch 117 triệu bản. Doanh thu năm 2021 từ sách giáo khoa là 1.583 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ sách giáo khoa hiện hành là 674 tỉ đồng (37%), sách giáo khoa mới là 675 tỉ đồng (chiếm 37%), sách bổ trợ 234 tỉ đồng (chiếm 13%).
Nhà xuất bản Giáo dục còn có doanh thu từ các nguồn cổ tức của các đơn vị nhận vốn góp, hòa nhập dự phòng, khai thác cơ sở vật chất... Khoản này là 245 tỉ đồng, chiếm 13%. Tương ứng với doanh thu, lợi nhuận sau thuế từ xuất bản sách giáo khoa là 137 tỉ đồng (chiếm 47,6% so với tổng lợi nhuận).
Trong đó, lợi nhuận từ sách giáo khoa hiện hành là 20 tỉ đồng (chiếm 6,9% tổng lợi nhuận), từ sách giáo khoa mới là 72 tỉ đồng (chiếm 25% tổng lợi nhuận). Số tiền nộp thuế và các khoản cho Nhà nước của nhà xuất bản này là 208,5 tỉ đồng.
Từ phân tích từ số liệu của Nhà xuất bản Giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà xuất bản mới chỉ phát hành sách mới ở 3 khối lớp nhưng lợi nhuận đã chiếm 25% tổng lợi nhuận năm 2021 và cao hơn gấp 3 lợi nhuận phát hành sách giáo khoa hiện hành năm 2021 (9 lớp đang học chương trình cũ). Điều này cho thấy giá sách giáo khoa mới cao hơn đã góp phần đáng kể vào việc tăng lợi nhuận của nhà xuất bản. Và như vậy, với việc lấy tổng lợi nhuận của doanh nghiệp vin vào việc tăng giá sách giáo khoa liệu có thoả đáng?
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Có thể bạn quan tâm
Tin mới nhất

Liên kết đào tạo: Giải bài toán thiếu bác sỹ y học cổ truyền

Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (IUH) tiếp tục thứ hạng cao trên Webometrics

Theo ước mơ khoác áo blouse trắng tại Học viện Y- Dược học cổ truyền Việt Nam

Những đảng viên xả thân trong giặc lửa vì Hà Nội máu và hoa. Bài 3: Máu đào rơi, mầm tốt đẹp sẽ nảy nở

Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh: Kết nối, tạo việc làm cho sinh viên
Tin cùng chuyên mục

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: Đảm bảo đúng định hướng

Đại học VinUni cấp học bổng toàn phần đào tạo tiến sĩ Khoa học máy tính khóa I

Tuyển sinh đại học 2022: Điểm xét tuyển không phải là điểm trúng tuyển

Trường Đại học Điện lực công bố điểm xét tuyển vào hệ đại học chính quy năm 2022

Khởi động dự án đổi mới giáo dục đại học trị giá 14,2 triệu USD

Sớm báo cáo việc Hiệu trưởng Đại học Kinh tế cầm quyền trượng ở lễ trao bằng tốt nghiệp đại học

Khoa học và công nghệ: “Chìa khóa” nâng cao kỹ năng sáng tạo

Đào tạo chính quy ngành quản lý thị trường: Bước đột phá tích cực

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục

Tốt nghiệp THPT ở tuổi 82, thương binh Nguyễn Huy Kỳ được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo tặng bằng khen

Hà Nội: Những cơ sở đào tạo nào chưa đủ điều kiện tuyển sinh lớp 10?

Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp: Hơn 90% chương trình đào tạo được chứng nhận kiểm định

Ngành công nghiệp điện tử: Thiếu lao động có kỹ năng

Nghệ An: 239 thí sinh đạt điểm 10 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Công an Hà Nội triệt phá băng nhóm cho vay với lãi suất "cắt cổ" 152%/năm

Hơn 5.000 bài thi đạt điểm 10 tốt nghiệp THPT, Thanh Hóa nhiều nhất cả nước

Bộ GD&ĐT chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022, cách tra cứu nhanh nhất

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chấm dứt học theo văn mẫu

Điểm thi tốt nghiệp THPT chính thức được công bố ngày 24/7
