“Cửa” vẫn sáng
Một thông tin vừa được Tờ Bloomberg khẳng định, dù sụt giảm kinh tế đột ngột do Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn là “nam châm” hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Và rằng, những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một “bánh răng” then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút Intel, Samsung, LG và các tập đoàn khác đến đầu tư.
Các nhà đầu tư nước ngoài luôn đánh giá cao về điểm đến đầu tư Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy của UMC (Nhật Bản) tại Việt Nam |
Nhận định trên càng được củng cố bằng con số thu hút đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đầu năm, mà Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố. Cụ thể, 8 tháng, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam vẫn đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Có suy giảm và điều đó là dễ hiểu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa tái bùng phát ở Việt Nam, cũng như trên toàn cầu. Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch, thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác. Và điều này đã thể hiện “sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế”.
Điều này là có thật. Ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT, người luôn trăn trở và tìm cách lý giải về các vấn đề liên quan đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam, đã viện dẫn một loạt con số để khẳng định: “Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều nước khác”.
“Một số người Việt luôn hằn sâu một định kiến ‘Việt Nam thua Ấn Độ, Indonesia, thua các nước ASEAN về năng lực cạnh tranh, về độ hấp dẫn đầu tư, về chính sách thu hút đầu tư’... Thế nhưng, những con số đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu trong 8 năm qua đã phủ nhận hoàn toàn những suy đoán mơ hồ, đầy định kiến đó”, ông Bảo nhận định.
Con số được ông Bảo viện dẫn, từ thống kê của Statista, về tổng vốn đầu tư nước ngoài trong 7 năm gần nhất (2013-2019), Việt Nam (92,48 tỷ USD, chỉ tính vốn giải ngân, không tính vốn cam kết) vượt trội so với Thái Lan (60,21 tỷ USD), Malaysia (61,51 tỷ USD), Philippines (51,45 tỷ USD), Myanmar (17,47 tỷ USD), cả về giá trị tuyệt đối, tỷ trọng đầu tư nước ngoài so với quy mô nền kinh tế.
“Tuy thua Ấn Độ (218,74 tỷ USD), Indonesia (126,93 tỷ USD) về giá trị tuyệt đối, nhưng tính tỷ trọng đầu tư nước ngoài so với quy mô nền kinh tế, thì chúng ta cao hơn 3,7 đến 5,7 lần”, ông Bảo phân tích.
Không chỉ là 8 năm qua, kể cả từ đầu năm tới nay, bất chấp Covid-19, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đạt con số đáng ghi nhận. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn đánh giá cao về điểm đến đầu tư Việt Nam, đặc biệt là sau Covid-19.
Hướng đến hiệu quả đầu tư
Hãng bán lẻ Uniqlo vừa công bố sẽ mở thêm 2 cửa hàng tại Hà Nội trong mùa thu - đông 2020. Trong khi đó, ENEOS Corporation vừa đăng ký mua vào 13 triệu cổ phiếu, tương đương 1% vốn của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 27/8 - 25/9. Trước đó, công ty con của ENEOS Corporation là Công ty TNHH Tư vấn và Hodings JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam đã chi một khoản không nhỏ để nắm giữ 8,73% vốn điều lệ của Petrolimex.
Mới đây, Quỹ đầu tư VOF của VinaCapital đã công bố khoản đầu tư 26,7 triệu USD để mua 30% cổ phần của hệ thống bệnh viện và phòng khám Thu Cúc. Logos, tập đoàn chuyên về bất động sản logistics đã thông báo thành lập liên doanh đầu tiên ở Việt Nam có tên Logos Vietnam Logistics Venture. Liên doanh có danh mục đầu tư ban đầu khoảng 350 triệu USD, hướng tới phát triển các cơ sở hậu cần tại những khu vực trọng điểm TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Trong khi đó, Tập đoàn Millennium (Mỹ) đang khảo sát, nghiên cứu Tổ hợp dự án điện - khí tại khu vực Vân Phong (Khánh Hòa), với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ USD. Còn Cophenhaghen Infrastructure Partners (Đan Mạch) đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bình Thuận về việc phát triển Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 10 tỷ USD.
Rõ ràng, bất chấp Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc đi lại của các nhà đầu tư, cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài hiện hữu, như nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, thì có một thực tế không thể phủ nhận là vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.
Để đón đầu được dòng vốn đầu tư dịch chuyển thời kỳ hậu Covid-19, Việt Nam đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài. Tổ công tác này đã có những cuộc họp bàn đầu tiên và thống nhất, từ nay tới cuối năm, sẽ tập trung vào 3 nhóm hoạt động chính là xúc tiến đầu tư, tham mưu đề xuất chính sách và truyền thông, quảng bá hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Thực tế, Việt Nam đang hấp dẫn hơn nhiều nước trong khu vực về thu hút đầu tư. Song nếu so sánh, sự thua sút Ấn Độ, Indonesia trong thu hút đầu tư cũng là điều cần tính tới, để làm sao môi trường đầu tư trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, sự yếu kém của các ngành công nghiệp hỗ trợ… đang là một cản trở lớn của Việt Nam.
Ở góc độ khác, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dù mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn, song Việt Nam cũng phải xây dựng các tiêu chí cụ thể để lựa chọn dự án đầu tư, chứ không phải là thu hút đầu tư bằng mọi giá nữa.
“Phải lựa chọn dự án sử dụng công nghệ cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đồng thời hỗ trợ, liên kết khu vực trong nước cùng phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và khẳng định, các địa phương, trong quá trình thu hút đầu tư, phải “bám lấy” các định hướng quan trọng trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị để chọn dự án.
“Nếu có dự án lớn, có tác động lan tỏa, thì hãy nhớ, Luật Đầu tư đã cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định các ưu đãi lớn hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã gửi thông điệp đó tới các địa phương trong cuộc họp vào ngày 26/8/2020.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chọn Việt Nam Có đến một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản nhận hỗ trợ của Chính phủ để dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đã chọn Việt Nam. Đến nỗi, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội còn thốt lên rằng: “Việt Nam đang rất được quan tâm. Khi con số này được công bố, nó chắc chắn gây sốc cho các quốc gia lân cận”. Vị này cũng lý giải, một lợi thế khác biệt mà không quốc gia nào trong khu vực so sánh được, đó là Việt Nam có đội ngũ đông đảo người lao động biết tiếng Nhật, sự tâm huyết của Chính phủ Việt Nam trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản, chi phí thấp hơn so với các nước trong khu vực ASEAN như Malaysia, Singapore, Thái Lan… |