Vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8 tỷ USD
11 tháng đầu năm, cả nước có 1.577 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kết quả này giảm 32,8% về số lượng dự án so với cùng kỳ năm trước, nhưng lại đạt số vốn đăng ký gần 14,1 tỷ USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2020.
Điểm sáng trong bức tranh FDI 11 tháng là vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng mạnh. Cụ thể, có 877 lượt dự án FDI đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 16,6% về số lượng, nhưng tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ.
Sở dĩ vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng mạnh là bởi, 11 tháng đầu năm 2021 có rất nhiều dự án FDI tăng vốn đầu tư, điển hình là dự án LG Display (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2 lần vào tháng 2 và tháng 8 với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,15 tỷ USD. Bên cạnh đó, dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan – Trung Quốc) cũng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD…
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hấp dẫn dòng vốn FDI |
11 tháng đầu năm, có 3.466 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,4 tỷ USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến thị trường mua bán sáp nhập trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, bởi đặc thù của hình thức đầu tư này có độ nhạy cảm rất cao với các biến động và tính bất định của thị trường, đã khiến vốn góp, mua cổ phần giảm mạnh. Đó cũng có thể là nguyên nhân khiến FDI vào Việt Nam trong 11 tháng chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp số vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đều đạt cao.
Singapore dẫn đầu
Đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 7,6 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,36 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng vốn đầu tư, tăng 54% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư của Singapore trong 11 tháng gấp 1,74 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc và gấp 2,1 lần vốn đầu tư của Nhật Bản, nguyên nhân là do Singapore có dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II có tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại tỉnh Long An được cấp giấy phép vào tháng 3/2021. Riêng dự án này đã chiếm tới 41% tổng vốn đầu tư của Singapore.
Hàn Quốc mặc dù chỉ xếp thứ hai về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng như số lượt vốn góp, mua cổ phần. Như vậy, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất trong 11 tháng.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như vốn góp mua cổ phần không nhiều, song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,41 tỷ USD và 1,27 tỷ USD.
Thêm dự án lớn sắp được cấp phép
Theo các chuyên gia kinh tế, thu hút FDI vào Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt mức cao hơn, hoặc tương đương với kết quả thu hút trên 28 tỷ USD của năm 2020. Đặc biệt, dự báo về thu hút FDI năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ khởi sắc. Thông tin này càng được củng cố khi thời gian qua, các đoàn cấp cao của Việt Nam đi công tác nước ngoài thường kết hợp với xúc tiến, quảng bá môi trường đầu tư trong nước.
Chia sẻ tại một sự kiện diễn ra mới đây, ông Bùi Hoàng Mai – Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh - cho biết, nếu không có gì thay đổi thì địa phương sẽ có thêm một dự án FDI có tổng vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD vào tháng 12/2021, dự án này sẽ đưa thu hút FDI vào tỉnh trong năm 2021 lên tới gần 3 tỷ USD.
Mặc dù có nhiều tín hiệu khởi sắc, song theo Tổng cục Thống kê, thu dòng vốn FDI vẫn còn những hạn chế nhất định, nhiều địa phương vẫn còn dễ dãi trong việc chấp nhận khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả cho địa phương về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách. Một số địa phương còn có tình trạng cấp đất quá lớn cho dự án FDI mà không căn cứ vào quy hoạch của địa phương… Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đầu tư cũng còn nhiều bất cập, vẫn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế, giá thuê đất, chi phí nguyên liệu trong khi chưa tương xứng với hiệu quả mà các dự án FDI mang lại.
Theo đó, để thu hút được những dự án FDI có chất lượng, dự án từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như: Hoa Kỳ và khối Liên minh châu Âu, thì ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến một số khía cạnh như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định. Cùng với đó, triển khai các biện pháp để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; sở hữu trí tuệ được đảm bảo, bản quyền, thương quyền cải cách hành chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu nói riêng và các doanh nghiệp có vốn FDI nói chung được cấp phép đầu tư.
So với kết quả thu hút FDI 10 tháng đạt 23,74 tỷ USD thì riêng tháng 11 Việt Nam thu hút được thêm gần 3 tỷ USD vốn FDI. Đây là kết quả khá tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. |