3 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 7,71 tỷ USD vốn FDI |
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, cả nước có 493 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 2,917 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2016. Cùng với đó, có 223 lượt dự án tăng vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,94 tỷ USD, tăng 206,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay có 1.077 lượt dự án được nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, với tổng giá trị vốn góp lên tới 852,86 triệu USD, tăng 171,5% so với cùng kỳ 2016.
Ước tính 3 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã giải ngân được 3,62 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ 2016. |
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, chủ yếu vẫn là do Việt Nam có những lợi thế về lao động giá rẻ, thị trường tiêu thụ rộng lớn và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra sâu rộng. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng được đánh giá đang cải thiện mạnh mẽ, theo hướng công bằng, minh bạch cho tất cả các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhất trong 3 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo, với tổng vốn đăng ký đạt 6,54 tỷ USD, chiếm 84,9% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong quý I/2017. Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 2 với 343,69 triệu USD, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư và bán buôn. Bán lẻ đứng thứ 3 với 296,8 triệu USD, chiếm 3,85% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 3 tháng đầu năm.
Hàn Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm đến nay. Theo đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 3,74 tỷ USD, chiếm 48,61% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 910,8 triệu USD, chiếm 11,81% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt 823 triệu USD, chiếm 10,68% tổng vốn đầu tư.
Địa phương thu hút FDI mạnh nhất trong 3 tháng đầu năm là tỉnh Bắc Ninh, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 2,61 tỷ USD, chiếm 33,86% tổng vốn đầu tư; Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 1,39 tỷ USD, chiếm 18,04% và TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với gần 600 triệu USD, chiếm 7,78% tổng vốn đầu tư.