KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc |
Xin ông cho biết thực trạng thu hút FDI vào tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay?
Sau 20 năm tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế xã hội vượt bậc, từ xuất phát điểm với nhiều khó khăn, đến nay Vĩnh Phúc đã vươn lên là một trong những tỉnh thành dẫn đầu về thu hút đầu tư.
Năm 1998, tỉnh Vĩnh Phúc mới chỉ có 8 dự án FDI nhưng đến hết tháng 3/2017, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 238 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 3,62 tỷ USD. Trong đó, có nhiều tập đoàn công nghiệp lớn của Nhật Bản, Ý, Úc, Thái Lan, Đức như: Honda, Toyota, Piaggio, Sumitomo,... đã sản xuất ra những sản phẩm chủ lực của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp chủ yếu cho ngân sách, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay là phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Để đạt được mục tiêu này, thu hút FDI vào tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới sẽ theo hướng nào, thưa ông?
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo đảm an sinh xã hội, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc. Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Đối với công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy và ngành công nghiệp điện tử, viễn thông; Thu hút các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao như: sản xuất, lắp ráp các thiết bị tin học, điện tử, sản xuất phần mềm, tự động hóa... Đặc biệt, tăng cường thu hút các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhẹ; các dự án của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG, Microsoft, Intel, Mitsubishi...
Đối với lĩnh vực dịch vụ, tỉnh sẽ tập trung thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, y tế, các dịch vụ khám chữa bệnh cao cấp theo yêu cầu, bệnh viện quốc tế, trường học quốc tế, tổ hợp khách sạn 5 sao, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,... Ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu vực có tiềm năng như hồ Sáu Vó, Tam Đảo 2, Đầm Vạc, Đại Lải, Tam Đảo,... để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Cùng với chọn lọc các dự án, tỉnh Vĩnh Phúc cũng tập trung thu hút các nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đã và đang đầu tư thành công tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, EU, Mỹ và một số quốc gia ASEAN. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có uy tín, tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án.
Ông Lê Duy Thành- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc |
Doanh nghiệp (DN) đóng một vai trò rất quan trọng trong phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Vậy tỉnh Vĩnh Phúc đã và sẽ có những chính sách cụ thể như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực DN trên địa bàn phát triển, thưa ông?
Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện để DN phát triển. Ngay từ khi mới tái lập, tỉnh đã thực hiện phương châm “Các nhà đầu tư đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”. Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những bước đi mang tính đột phá. Vĩnh Phúc là tỉnh đi đầu của cả nước ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) (Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 14/1/2013 của Tỉnh ủy về phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh đến năm 2020); Tỉnh đã thành lập 3 ban chỉ đạo: ban chỉ đạo xúc tiến đầu tư và phát triển DN tỉnh Vĩnh Phúc; ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng tỉnh Vĩnh Phúc; ban chỉ đạo công tác dồn thửa đổi ruộng và giải quyết đất dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh hỗ trợ DN và thu hút đầu tư, giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tồn tại về chính sách đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân.
Tỉnh cũng đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN. Do đó, từ năm 1997 đến nay, số lượng DN trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, tính đến hết tháng 4/2017, tổng số DN trong tỉnh là 7.832 DN với vốn đăng ký đạt 60.820 tỷ đồng, trong đó, 68% DN đang hoạt động. Các DN trên địa bàn tỉnh đã đóng góp 10% vào GDP của tỉnh, 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; nộp ngân sách nhà nước hàng năm chiếm khoảng 4% tổng thu ngân sách; giá trị xuất khẩu chiếm 13% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Trên quan điểm luôn đồng hành, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, thực hiện giải pháp triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển DN đã được tỉnh Vĩnh Phúc ban hành, trong đó, tập trung triển khai một cách đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách ở các lĩnh vực tài chính, đất đai, đổi mới khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường; hỗ trợ thương mại điện tử cho DN…
Xin cảm ơn ông!