` |
Lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường mỹ phẩm |
Theo Công văn số 136/QLD-MP, 148/QLD-MP 203/QLD-MP và 226/QLD-MP, sau khi kiểm tra 4 công ty: Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Kim Quan, Công ty Cổ phần Thương mại truyền thông Thời gian (đơn vị phân phối của DN Kim Quan), Công ty TNHH liên doanh Pan Việt Nam, Công ty TNHH Lulanjina, Cục Quản lý dược đã ban hành quyết định đình chỉ và thu hồi nhiều loại mỹ phẩm.
Trong số đó, Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Kim Quan (tỉnh Hậu Giang) bị thu hồi tới 19 sản phẩm do cơ sở sản xuất này không đáp ứng các điều kiện về sản xuất mỹ phẩm, không thực hiện các nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản về “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” (CGMP-ASEAN). 19 sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi gồm: Tinh chất bồ kết dưỡng tóc; tinh dầu dừa dưỡng da, dưỡng tóc; tinh chất dưa leo trắng da, giảm mụn; bột cám gạo trắng da chống lão hóa; bột nghệ vàng giảm mụn tàn nhang; bột ngâm chân hoa cúc giảm nứt da chân; tinh chất Hà thủ ô giúp đen tóc, mọc tóc; tinh dầu hoa bưởi giảm rụng tóc, giúp mọc tóc; tinh chất nghệ dưỡng da; tinh chất hoa bưởi dưỡng da; bột nghệ…
Công ty TNHH Lulanjina (TP. Hồ Chí Minh) bị thu hồi 6 sản phẩm do công ty sản xuất và chịu trách nhiệm đưa ra thị trường, trong đó có Lulanjina-kem dưỡng da se khít lỗ chân lông, Lulanjina-kem làm mờ vết nám, Lulanjina-sữa rửa mặt... do các loại mỹ phẩm lưu thông có tên sản phẩm, công thức, tính năng ghi trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố; địa chỉ nhà sản xuất ghi trên nhãn và hồ sơ công bố không đúng với địa chỉ cơ sở sản xuất hiện tại.
Công ty TNHH liên doanh Pan Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) bị thu hồi 3 sản phẩm gồm: Mặt nạ trắng da-elisees UV whitening hydrating mask, kem dưỡng da ban đêm- elisees UV whitening nourissing night cream và Pan FCM. Các sản phẩm này bị thu hồi do có thành phần công thức ghi trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố.
Cục Quản lý dược đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc 2 sản phẩm của Công ty TNHH y tế Gia Việt (Hà Nội) là Veracare DB-dung dịch tắm khô và Veracare DB-dung dịch dầu gội khô, do các sản phẩm này ghi tên và thành phần công thức sản phẩm trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố.
Được biết, bên cạnh các sản phẩm sản xuất trong nước, cơ quan này cũng đang liên tục kiểm tra, xem xét các sản phẩm mỹ phẩm có nhãn mác, sản xuất tại nước ngoài. Không ít các sản phẩm trong số đó không đạt đúng định lượng tiêu chuẩn thành phần đã ghi như trên bao bì.
Theo ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), hiện nay, trên thị trường các mặt hàng mỹ phẩm khá đa dạng về chủng loại, mẫu mã, phẩm cấp, xuất xứ, giá cả… Nhu cầu tiêu thụ trong nước lại rất cao không chỉ đối với hàng nhập khẩu, mà cả những sản phẩm được sản xuất trong nước. Việc kiểm tra, kiểm soát hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng không hề đơn giản. Đặc biệt, việc giám định từng lô hàng, từng mặt hàng mất khá nhiều công sức, thời gian và chi phí để có kết luận từ phía cơ quan chuyên môn thẩm quyền. Do đó, công tác phối kết hợp giữa các lực lượng như: QLTT và Cục Quản lý dược phải luôn được thực hiện một cách chặt chẽ nhất để có thể phát hiện, kiểm tra, kiểm soát được các sản phẩm, tạo thị trường lành mạnh, an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các Sở Y tế địa phương cần thông báo cho cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn thu hồi những sản phẩm trên; phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn để thực hiện thông báo đình chỉ, thu hồi. |