Bí mật Nhà nước về tài liệu điều hành xuất nhập khẩu hàng hoá.
Điều 1.19, Dự thảo quy định: “Kế hoạch xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng đặc biệt giữ vị trí trọng yếu trong việc phát triển và bảo vệ đất nước chưa công khai”, sẽ thuộc diện bí mật Nhà nước. Điều 2.18, Dự thảo quy định: “Kế hoạch và biện pháp điều hành xuất nhập khẩu, bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường xã hội chưa công khai” cũng thuộc diện bí mật Nhà nước.
VCCI cho rằng, quy định này cho phép cơ quan nhà nước đưa ra biện pháp can thiệp vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Nếu đây là hàng hoá thuộc sở hữu Nhà nước thì có thể được giữ bí mật với tư cách là quyết định của chủ sở hữu. Nhưng nếu đây là hàng hoá thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức khác, thì các biện pháp can thiệp của Nhà nước cần hết sức hạn chế và phải được công khai.
Luật Quản lý ngoại thương đã có quy định về “quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá” (Điều 5). Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, vì nó bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định. Các biện pháp can thiệp vào quyền xuất nhập khẩu hàng hoá đã được quy định tại Luật Quản lý ngoại thương (biện pháp hành chính, biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch, biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp kiểm soát khẩn cấp) và phải thông báo rộng rãi, công bố công khai, thậm chí một số biện pháp phải tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi trước khi áp dụng.
Nếu các nội dung tại Điều 1.19 và Điều 2.18 của Dự thảo đã quy định trong Luật Quản lý ngoại thương thì cần ban hành theo đúng trình tự, thủ tục của luật này, không cần thiết phải đưa vào diện bí mật nhà nước.
Các hợp đồng, đề án mang tính chiến lược.
Điều 2.1 Dự thảo quy định: “Các hợp đồng, đề án mang tính chiến lược của ngành thương mại, cơ khí, luyện kim, năng lượng điện, hoá chất, dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác chưa công khai”, thuộc diện bí mật Nhà nước.
VCCI nhận định, hiện không rõ như thế nào là hợp đồng, đề án mang tính chiến lược. Hơn nữa, diện các lĩnh vực rất rộng, gồm cả thương mại (bao gồm hầu hết các ngành kinh tế), công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác. Quy định như trên vừa lỏng, vừa rộng, có thể dẫn đến nguy cơ đóng dấu mật tùy tiện. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm “mang tính chiến lược” và nghiên cứu thu hẹp phạm vi Điều 2.1 theo hướng chỉ áp dụng cho một số ngành có liên quan đến an ninh quốc gia.
Báo cáo kết quả tham dự các hội nghị
Điều 2.2 của Dự thảo quy định: “Phương án, báo cáo kết quả tham dự các hội nghị trong khuôn khổ hợp tác ASEAN (gồm cả hợp tác ASEAN và các đối tác), APEC, ASEM, WTO và các tổ chức khác chưa công khai”, thuộc diện bí mật Nhà nước.
VCCI cho rằng, phương án tham dự các hội nghị có thể để ở chế độ bí mật vì đây là dự định của Việt Nam. Nhưng với các báo cáo kết quả tham dự hội nghị, cần có sự phân biệt rõ hơn về mặt nội dung. Chẳng hạn, một số báo cáo chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin về các kết luận, các thoả thuận đạt được từ các hội nghị thì cần công khai cho người dân và doanh nghiệp được biết. Một số báo cáo chi tiết gồm cả diễn biến đàm phán, quan điểm thảo luận của Việt Nam và các bên thì cần được giữ bí mật. Thực tế đã từng có trường hợp cơ quan tham dự hội nghị đạt được thoả thuận với nước ngoài liên quan đến thương mại, nhưng không thông báo rộng rãi cho các doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp bị động trong quan hệ xuất nhập khẩu. VCCI kiến nghị, sửa đổi Điều 2.2 của Dự thảo theo hướng thu hẹp phạm vi bí mật Nhà nước chỉ gồm các phương án và báo cáo chi tiết diễn biến, quan điểm của các bên khi tham dự các hội nghị.
Tài liệu, địa điểm, trữ lượng các mỏ khoáng sản
Điều 2.14 của Dự thảo quy định: “Tài liệu, địa điểm, trữ lượng các mỏ than và khoáng sản, các mỏ kim loại, phi kim loại quý hiếm, đá quý, các mỏ phóng xạ, các phát hiện dầu khí tại Việt Nam chưa công khai”, thuộc diện bí mật Nhà nước.
Theo pháp luật về khoáng sản, mỗi khi có phát hiện khoáng sản mới là cơ sở để sửa đổi quy hoạch khoáng sản và quy hoạch là cơ sở để cấp phép. Duy trì chế độ bí mật Nhà nước thông tin về các phát hiện mỏ khoáng sản và đến khi đưa vào quy hoạch mới công bố, có thể sẽ tạo kẽ hở khiến một số doanh nghiệp biết thông tin trước chiếm ưu thế khi xin cấp phép.
Giữ bí mật thông tin mỏ khoáng sản mới trước khi đưa vào quy hoạch được suy đoán là nhằm tránh việc cá nhân, tổ chức có được thông tin và khai thác khoáng sản lậu. Tuy nhiên, ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép cần thực hiện bằng các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm. Hơn nữa, khi một mỏ khoáng sản đã được bổ sung vào quy hoạch, nhưng chưa cấp phép thì nguy cơ bị khai thác lậu cũng không khác gì khi công bố thông tin về mỏ đó mà chưa đưa vào quy hoạch. VCCI đề nghị bỏ Điều 2.14 của Dự thảo.
Bí mật Nhà nước về phương án giá xăng, giá điện
Giá xăng và giá điện là thông số đầu vào quan trọng các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu biết sớm thông tin điều chỉnh giá xăng, giá điện từ Nhà nước.
Bí mật về phương án giá xăng, giá điện có thể được suy đoán là nhằm tránh tình trạng đầu cơ. Tuy nhiên, điều này có thể giải quyết thông qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước. Cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu và phương pháp tính giá hiện đã được quy định khá chi tiết tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP, việc dự đoán thời điểm điều chỉnh và giá khá chính xác dựa trên các thông số đầu vào công khai trên thị trường quốc tế, không gây tác động gì lớn đến hoạt động mua bán xăng dầu bình thường trên thị trường. Còn đối với điện, đặc tính sản xuất và tiêu dùng là đồng thời, đầu cơ mặt hàng này khó xảy ra. Do vậy, VCCI đề nghị đánh giá lại các hiệu ứng tiêu cực, tích cực và cân nhắc bỏ Điều 2.19 của Dự thảo.
Kế hoạch và biện pháp điều hành thị trường trong nước
Điều 2.20 quy định: “Kế hoạch và biện pháp điều hành thị trường trong nước bảo đảm cung cầu, ổn định thị trường chưa công khai”, thuộc diện bí mật Nhà nước.
Theo VCCI, nếu biện pháp điều hành thị trường chỉ dừng lại ở việc mua bán hàng hoá thuộc sở hữu Nhà nước (nghiệp vụ thị trường mở) thì việc giữ bí mật là phù hợp. Tuy nhiên, nếu biện pháp điều hành liên quan đến hàng hoá, dịch vụ thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức khác cần hạn chế và phải được công khai.
Trong nền kinh tế thị trường, quan hệ cung - cầu cần vận hành dựa trên cơ sở giá cả và quy luật cung - cầu. Hiến pháp đã có quy định bảo hộ quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp cũng đã có quy định về các quyền của doanh nghiệp. Pháp luật về đầu tư và thương mại Việt Nam chỉ hạn chế quyền này bằng hình thức đầu tư kinh doanh có điều kiện. Pháp luật về giá chỉ cho phép một số biện pháp rất hạn chế can thiệp vào thị trường như bình ổn giá, định giá, hiệp thương giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá. Theo Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Giá thì các biện pháp này đều được thực hiện một cách công khai. Do đó, VCCI đề nghị bỏ Điều 2.20 của Dự thảo.