Thứ hai 29/04/2024 14:33

Thủ công mỹ nghệ: Những “món quà nhỏ” mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Hàng thủ công mỹ nghệ luôn mang lại kim ngạch xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm và được ví như “món quà nhỏ” mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới…
Làng nghề thủ công mỹ nghệ “bắt trend” bán hàng online Hà Nội: Khai mạc Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề Bát Tràng 2023

Xuất khẩu đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ

Danh mục hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ngày càng nhiều hơn các sản phẩm hàng hóa, ngoài những mặt hàng truyền thống của các làng nghề gỗ, mât tre đan, thêu ren thì xuất hiện thêm những mặt hàng mới. Những sản phẩm làm từ cỏ cây, bèo tây, sơ dừa… những thứ tưởng bỏ đi nhưng qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, những người thợ thủ công đã có thể xuất khẩu ra thị trường thế giới, tạo việc làm và mang về những đồng ngoại tệ. Quan trọng hơn, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và được ví như những “món quả nhỏ” giúp giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Thủ công mỹ nghệ:  Những “món quà nhỏ” mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói mang lại giá trị xuất khẩu cao

Nổi tiếng về hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở phía Bắc phải kể để làng nghề đan cói Kim Sơn (Ninh Bình) – đây là vùng đất có truyền thống trồng cói và làm hàng thủ công mỹ nghệ từ cây cói đã có từ lâu đời. Từ những sợi cói dài loằng ngoằng, qua bàn tay khéo léo người dân nơi đây đã tạo ra những sản phẩm độc, lạ như: Mũ, dép, túi sách, hộp, cốc...

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kim Sơn có nhiều cơ sở chế biến cói, với tổng doanh thu mỗi năm đạt khoảng 250 tỷ đồng. Các sản phẩm cói Kim Sơn đã xuất khẩu nhiều lô hàng tới các nước châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Để phát triển nghề trong giai đoạn tới, huyện Kim Sơn tiếp tục mở rộng quy mô, đa dạng các hình thức dạy nghề, nhằm khuyến khích những người có trình độ sản xuất, kinh doanh giỏi, các nghệ nhân truyền nghề và thiết kế mẫu mã kiểu dáng để tạo ra các sản phẩm giữ được nét truyền thống và đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của thị trường.

Thủ công mỹ nghệ:  Những “món quà nhỏ” mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Sản phẩn cói xuất khẩu tại cơ sở đan cói tại huyện Nga Sơn (Thanh Hóa)

Một trong những địa phương có số lượng làng nghề, làng có nghề lớn nhất cả nước, Hà Nội luôn được đánh giá là cái nôi sản xuất ra những sản phẩm làng nghề truyền thống đạt chất lượng cao và được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích. Các làng nghề truyền thống của Hà Nội có lịch sử hàng trăm năm như: Gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh, khảm trai Chuôn Ngọ...

Các sản phẩm làng nghề đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, được các nước, tổ chức, cá nhân đánh giá cao. Việc phát triển các sản phẩm xuất khẩu của làng nghề được Hà Nội đặc biệt chú trọng. Bởi thủ công mỹ nghệ là mặt hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch cao với nhiều thị trường có sức tiêu thụ lớn. Nhiều sản phẩm làng nghề đã được xuất khẩu sang Mỹ, Canada và các nước châu Âu như gốm sứ mỹ nghệ, mây tre đan…

Để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm của các làng nghề, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu cho TP. Hà Nội xây dựng định hướng phát triển xuất khẩu từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đưa chỉ tiêu có 6 - 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm từ 3-5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố…

Thủ công mỹ nghệ:  Những “món quà nhỏ” mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Cơ sở sản xuất thêu ren xuất khẩu tại Ninh Bình

Hiện các làng nghề, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như làng nghề chiếu cói, đúc đồng, gốm, dệt thổ cẩm, thêu ren… trên khắp mọi miền đất nước đang được các địa phương quan tâm đẩy mạnh phát triển, bằng nhiều con đường, sản phẩm từ các làng nghề này đã có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, qua đó giới thiệu hàng hóa, sản phẩm và để thế giới biết nhiều hơn về, thương hiệu hàng hóa, hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam.

Nâng “sức hút” cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Gần đây, phát biểu tại Hội thảo “Nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ tăng sức cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết: Cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm…

“Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn có thể mang lại lợi nhuận nhiều hơn nữa nếu được quan tâm đến kiểu dáng và mẫu mã. Nhiều năm trước, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi có mẫu mã mới lạ. Thế nhưng hiện nay, sức hấp dẫn bị giảm đi đáng kể khi không có sự thay đổi mẫu mã, trong khi nhu cầu của khách hàng ngày càng được nâng cao”, ông Lưu Duy Dần nhận định.

Thủ công mỹ nghệ:  Những “món quà nhỏ” mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ cần đổi mới mẫu mã để đáp ứng nhu cầu thị trường

Đây đang là một trong những rào cản lớn nhất trên con đường giữ vững và mở rộng thị trường của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Hiện có tới gần 90% số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng, do chúng ta còn thiếu sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm. Nếu tham dự các hội chợ, triển lãm về hàng thủ công mỹ nghệ trong nước, mọi người khó tránh khỏi cảm giác nhàm chán khi bắt gặp các gian hàng, sản phẩm quen thuộc như các mẫu mã truyền thống như tranh tứ linh, tranh tứ quý (đối với ngành khảm trai, sơn mài); hạc đồng, đỉnh đồng (ngành đúc đồng); sập gụ, tủ thờ, hoành phi, câu đối (ngành mộc mỹ nghệ, chạm khắc gỗ); chụp đèn, bàn ghế (ngành mây tre đan)…

Thủ công mỹ nghệ:  Những “món quà nhỏ” mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Phát huy tài hoa của các nghệ nhân và công tác truyền nghề, đào tạo nghề cần được quan tâm

Nguyên nhân của thực trạng này là do nhiều hộ sản xuất làng nghề vẫn chưa coi trọng việc thiết kế cải tiến mẫu mã, chỉ sản xuất theo thói quen cũ, chậm đổi mới, rập khuôn các mẫu có sẵn trên thị trường. Quá trình đào tạo nghề không được chú trọng về tính sáng tạo, ứng dụng thiết kế để đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ còn nhiều hạn chế, hầu hết chỉ làm theo đơn đặt hàng. Một số thiết kế bảo đảm tính thẩm mỹ, khả thi trong quá trình chế tác sản xuất, nhưng lại chưa thể đem sản xuất số lượng lớn, cho nên rất khó xuất khẩu.

Ngoài việc cải tiến mẫu mã, nhiều doanh nghiệp cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nhờ vào thương mại điện tử. Việc đưa hàng thủ công lên nền tảng thương mại điện tử đem lại nhiều hiệu quả thiết thực như tăng doanh thu, giảm chi phí, quảng bá thương hiệu và tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn, giúp sản phẩm làng nghề vươn xa ra thị trường thế giới...

Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành hàng này mang lại lợi nhuận gấp từ 5 đến 10 lần so với các ngành khác. Chưa kể các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên cả nước đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Tin khác

Phiên bản di động