Chủ nhật 24/11/2024 19:57

Thông tin thêm về việc áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan

Sau khi Bộ Công Thương có quyết định chính thức áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan (Quyết định 1578/QĐ-BCT, ngày 15/6/2021), một số tờ báo của Việt Nam mới đây dẫn báo chí tại Thái Lan đưa tin, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ yêu cầu Việt Nam xem xét lại quyết định nêu trên. Trong đó, cho rằng, vẫn còn một số điều không chắc chắn, chẳng hạn như thiệt hại gây ra bởi các sản phẩm đường của Thái Lan tại Việt Nam...

Liên quan đến điều tra và áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, Báo Công Thương thông tin một số nội dung liên quan để rộng đường dư luận.

Trong quá trình điều tra vụ việc, Bộ Công Thương khẳng định đã tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ qui trình pháp lý theo các qui định của pháp luật về quản lý ngoại thương cũng như theo thông lệ quốc tế, dựa trên những căn cứ khách quan, có tính xác thực... Để đi đến kết luận cuối cùng và ra quyết định chính thức áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, ngày 12/5/2021, Bộ Công Thương đã có phiên tham vấn công khai ý kiến của tất cả các bên có liên quan.

Ý kiến của đại diện Chính phủ Thái Lan

Tại dự thảo kết luận cuối cùng, lưu hành công khai, liên quan đến các cáo buộc đường Thái Lan gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước của Việt Nam, đại diện Chính phủ Thái Lan, cho rằng: Nguyên đơn và các nhà sản xuất ủng hộ vụ việc (điều tra) chưa thỏa mãn các yêu cầu về tư cách pháp lý theo Điều 87 của Luật Quản lý ngoại thương, Điều 11.4 và Điều 16.1 của Hiệp định SCM; không có đủ bằng chứng về việc ngành sản xuất đang chịu thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể gây ra bởi hàng hóa bị điều tra từ Thái Lan, theo Điều 23, Nghị định 10 và Điều 15 của Hiệp định SCM.

Cụ thể, nguyên đơn và các doanh nghiệp ủng hộ chưa đáp ứng đủ điều kiện để đại diện cho ngành sản xuất trong nước. Chính phủ Thái Lan cho rằng, cần loại trừ các công ty nhập khẩu đường từ Thái Lan, bao gồm: Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa, 3 công ty liên quan đến Công ty TNHH Kim Hà Việt (Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng và Công ty Cổ phần Mía đường Kontum). Sau khi loại trừ các công ty nêu trên, Chính phủ Thái Lan cho rằng, sản lượng của nguyên đơn và bên ủng hộ chỉ chiếm 41,25% tổng sản lượng của ngành sản xuất trong nước năm 2019, nên không được coi là đại diện cho ngành sản xuất trong nước theo Điều 87, Luật Quản lý ngoại thương.

Đại diện Chính phủ Thái Lan cũng cho rằng, không có đủ bằng chứng chứng minh hàng hóa điều tra nhập khẩu từ Thái Lan gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa. Lý do, lượng đường nhập khẩu tăng phù hợp với xu hướng lượng đường Thái Lan xuất khẩu sang các nước khác; năng suất sản xuất mía của Việt Nam thấp hơn Thái Lan; giá đường xuất xứ từ Thái Lan bán tại Việt Nam tương tự như bán tại các nước khác; không tồn tại tác động ép giá, kìm giá; các chỉ số như lợi nhuận, tồn kho không cho thấy dấu hiệu thiệt hại; thiệt hại của ngành sản xuất trong nước một phần đến từ việc nhập khẩu đường lỏng HFCS.

Đóng bao đường tinh luyện

Phản hồi của cơ quan điều tra

Sau khi xem xét kỹ lưỡng các ý kiến của Chính phủ Thái Lan, căn cứ kết quả điều tra, cơ quan điều tra xác định, có đủ bằng chứng cho thấy, ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại đáng kể gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu bị điều tra. Cụ thể:

Về tính đại diện của bên yêu cầu điều tra và các bên ủng hộ, cơ quan điều tra đã có phân tích chi tiết tại Mục 6.1, Dự thảo Kết luận điều tra cuối cùng (bản lưu hành công khai, các bên liên quan có thể tham khảo), khẳng định có đủ tính đại diện cho ngành sản xuất trong nước (khoảng 80,7% sản lượng).

Về mục đích nhập khẩu, cơ quan điều tra cho rằng, để chủ động khắc phục một phần thiệt hại đáng kể của đường nhập khẩu từ Thái Lan, một số doanh nghiệp trong nước sản xuất đường tinh luyện đã nhập khẩu đường thô để luyện đường khi đã kết thúc vụ sản xuất, nhằm tối ưu năng suất, qua đó cầm cự hoạt động. Theo bản trả lời câu hỏi và thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thì các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước luôn trong tình trạng thiếu mía nguyên liệu và sẵn sàng thu mua tất cả lượng mía của nông dân để đưa vào sản xuất. Ngoài ra, lượng đường sản xuất chủ yếu được tiêu thụ trong nước và luôn coi đường sản xuất từ mía là sản phẩm chủ đạo (ngoại trừ công ty TNHH MTV đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai).

Về tỷ lệ nhập khẩu so với sản lượng, căn cứ số liệu nhập khẩu, cơ quan điều tra nhận thấy, đối với các công ty: Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công ty CP Mía đường Lam Sơn, nhóm các công ty liên quan đến Công ty TNHH Kim Hà Việt (bao gồm Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, 333, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Tuy Hòa, Kon Tum, Trà Vinh, Cần Thơ), mặc dù đã nhập khẩu hàng hóa bị điều tra, nhưng vẫn chủ yếu sản xuất và tiêu thụ đường từ mía trong nước (có tỷ lệ lượng nhập khẩu thấp so với sản lượng). Việc nhập khẩu chỉ là biện pháp tạm thời để đối phó trước sức ép lớn của đường xuất xứ từ Thái Lan và duy trì sản xuất do thiếu mía nguyên liệu. Việc nhập khẩu nêu trên không đủ để bảo vệ các công ty khỏi sự đe dọa tiêu cực từ hàng hóa bị điều tra.

Riêng đối với Công ty Cổ phần Đường Việt Nam, do khó khăn về vùng nguyên liệu nên bắt buộc phải nhập khẩu đường thô, sau đó tinh luyện nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đường đầu vào tăng cao của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - công ty liên kết), dẫn đến tỷ lệ lượng nhập khẩu cao so với sản lượng. Cơ quan điều tra cho rằng, việc loại tất cả các công ty sản xuất trong nước nhập khẩu hàng hóa bị điều tra (ngoài Công ty TNHH MTV đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai) ra khỏi nhóm ngành sản xuất trong nước, không sử dụng số liệu để phân tích, đánh giá thiệt hại là không hợp lý trong vụ việc này, ảnh hưởng lớn đến số liệu hoàn chỉnh của toàn ngành sản xuất trong nước, không đảm bảo tính chính xác khi đánh giá các yếu tố thiệt hại.

Thu hoạch mía

Đối với yếu tố thiệt hại, cơ quan điều tra đã tiến hành phân tích nội dung đánh giá tác động về lượng nhập khẩu, tác động giá, năng suất sản xuất mía của Việt Nam và các yếu tố kinh tế về lợi nhuận, tồn kho. Căn cứ theo Hiệp định ADA của WTO, Luật Quản lý ngoại thương, cơ quan điều tra chỉ xem xét tác động hàng hóa Thái Lan đối với hàng hóa tương tự của Việt Nam. Việc xem xét tác động nhập khẩu trên cơ sở khối lượng nhập khẩu của Thái Lan vào Việt Nam, không xem xét xu hướng hàng hóa Thái Lan nhập khẩu vào các thị trường khác.

Cơ quan điều tra nhận thấy, có tồn tại sự gia tăng tuyệt đối của hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan với tốc độ gia tăng đáng kể. Năng suất sản xuất mía Việt Nam tương đương với các nước khác trong khu vực trong đó có Thái Lan. Trình độ sản xuất mía, trong cùng điều kiện thời tiết không thuận lợi (khô hạn) Việt Nam vẫn có năng suất cao hơn Thái Lan. Một số khu vực trồng mía của Việt Nam còn có mô hình sản xuất hàng đầu so với thế giới về mức năng suất đạt trên 10 tấn đường/ha mía.

Đối với tác động về giá, theo Hiệp định ADA và của Việt Nam, Cơ quan điều tra chỉ xem xét giá xuất khẩu của Thái Lan vào Việt Nam và so sánh với giá thông thường tại thị trường Thái Lan để kết luận hành vi phá giá; so sánh với giá bán của hàng hóa tương tự sản xuất trong nước để kết luận về tác động giá. Tại Kết luận điều tra, trên cơ sở các thông tin, dữ liệu được thu thập và xác minh, cơ quan điều tra xác định có tồn tại tác động kìm giá, ép giá giữa hàng hóa xuất xứ từ Thái Lan đối với hàng hóa tương tự sản xuất trong nước. Đường Thái Lan có dấu hiệu được trợ cấp và bán phá giá vào Việt Nam. Đồng thời, giá đường xuất xứ từ Thái Lan thấp hơn đáng kể so với giá đường sản xuất trong nước.

Đối với chỉ số tồn kho, qua phân tích, cơ quan điều tra cho rằng, một đặc thù riêng của ngành đường sản xuất từ cây mía là các nhà máy chỉ sản xuất 4-5 tháng/năm, nhưng sản lượng để đáp ứng cho cả năm. Vì vậy, việc xem xét biến động của lượng tồn kho cần phải đặt trong bối cảnh biến động của sản lượng. Lượng tồn kho giảm không nhất thiết phản ánh kết quả hoạt động tích cực của ngành đường. Biến động lượng tồn kho là ánh xạ của biến động sản lượng. Sản lượng suy giảm như đã phân tích ở trên dẫn đến lượng tồn kho cuối kỳ suy giảm và hàng hóa tương tự của ngành sản xuất trong nước không đủ để cung cấp ra thị trường trong trường hợp nhu cầu trở lại trong khoảng thời gian các nhà máy chưa vào vụ sản xuất. Cơ quan điều tra, xác định biến động về lượng tồn kho của ngành sản xuất trong nước có yếu tố của thiệt hại đáng kể.

Đối với chỉ số lợi nhuận, cơ quan điều tra đã phân tích tại Mục 6.3.6 trong Kết luận điều tra. Các số liệu cho thấy có sự suy giảm rõ rệt về lợi nhuận của ngành sản xuất trong nước trong giai đoạn từ POI-3 đến POI. Do đó, cơ quan điều tra xác định biến động về lợi nhuận của ngành sản xuất trong nước cho thấy có yếu tố của thiệt hại đáng kể.

Cơ quan điều tra cũng đã phân tích về thị phần, khẳng định, thị phần hàng hóa tương tự được sản xuất trong nước sụt giảm mạnh so với các thời kỳ trước. Trong khi đó, thị phần của hàng hóa bị điều tra đã tăng rất cao. Kết hợp với các phân tích về mối quan hệ nhân quả, cơ quan điều tra xác định, hàng hóa nhập khẩu bị điều tra là nguyên nhân gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Đối với ý kiến đường HFCS nhập khẩu gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, cơ quan điều tra cho biết, sẽ phân tích cụ thể trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với đường lỏng nhập khẩu có xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc (vụ việc AD11).

Ngọc Quỳnh
Bài viết cùng chủ đề: Chống trợ cấp

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024

Chuyển đổi số để hàng Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế

Chính sách xanh đang tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Ký kết biên bản ghi nhớ về xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Malaysia

Sáng nay diễn ra tọa đàm ‘Thương mại điện tử - Đưa hàng Việt vươn mình trong kỷ nguyên số’

Hơn 200 đơn vị từ 63 tỉnh, thành tham gia Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2024

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Bộ Công Thương đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số quốc gia

Triển lãm CLEANFACT và RHVAC Vietnam 2024: Điểm đến công nghệ cao cho doanh nghiệp

Hỗ trợ chuyển đổi số lĩnh vực bán buôn, bán lẻ: Nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế

10 doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia Global Sourcing Expo Australia 2024

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài: Thương mại điện tử là điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội

Tổng cục Hải quan cảnh báo các chiêu trò trốn thuế trong nhập khẩu thép

Sự kiện thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương 2024

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp vỏ viên nhộng cứng từ Việt Nam

Diễn đàn Xúc tiến nông sản Việt Nam – Mông Cổ: Thương mại song phương tăng gấp 2-3 lần

256 gian hàng tham gia Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế AgroViet 2024