Thông tin ngành Công Thương đáng chú ý trên các báo ngày 14/3
Lĩnh vực năng lượng
Trên báo Vietnamnet đăng tải ngày 14/3 có bài: "Bộ Công Thương bãi bỏ loạt quy định về kinh doanh xăng dầu".
Thông tư số 18/2025/TT-BCT vừa được Bộ Công Thương ban hành bãi bỏ quy định tổ liên ngành Công thương -Tài chính điều hành giá xăng dầu, theo vào đó Bộ Công thương công bố giá cơ sở và giá bán dựa trên số liệu các yếu tố đầu vào.
Một trong những điểm đáng chú ý, Thông tư mới đã bãi bỏ quy định về Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu quy định tại Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương vừa bổ sung quy định về báo cáo tình hình sử dụng kho xăng dầu. |
Như vậy, Bộ Công thương công bố giá cơ sở và giá bán dựa trên số liệu các yếu tố đầu vào, thay vì tổ liên ngành Công thương-Tài chính cùng điều hành như hiện nay.
Được biết, các mặt hàng nhiên liệu sẽ được Bộ Công thương công bố giá, gồm xăng sinh học, xăng khoáng RON 95-III và các mặt hàng dầu, gồm: diesel, dầu hỏa, mazut.
Cũng trong ngày 14/3 Tạp chí Kinh tế môi trường có bài: "HSBC cam kết hỗ trợ tài chính 12 tỷ USD để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam".
HSBC bày tỏ cam kết thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam với khoản cam kết hỗ trợ tài chính tới 12 tỷ USD cho các dự án. Hiện nay, với những giao dịch trong quá trình thực hiện, HSBC đã đạt khoảng 22% trên tổng số khoản tài chính cam kết 12 tỷ USD này.
Trả lời những quan tâm của HSBC về Quy hoạch điện VIII điều chỉnh của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết Bộ Công Thương hiện đang hoàn thiện và sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đến năm 2030, tổng công suất điện gió trên bờ và gần bờ của Việt Nam đạt khoảng 26.066-38.029 MW.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi của Việt Nam với dư địa lớn và được kỳ vọng trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi của khu vực. Năng lượng tái tạo là ngành năng lượng quan trọng đóng vai trò thu hút lượng lớn FDI hiện nay vào Việt Nam do các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay quan tâm nhiều đến cam kết giảm phát thải, sản xuất sử dụng năng lượng sạch, đáp ứng các tiêu chí sản xuất sản phẩm ít phát thải carbon.
Báo Bnews có bài đăng tải: "Trà Vinh dự kiến đưa vào khai thác 5 dự án điện gió và điện sinh khối trong năm nay".
Cụ thể, 4 dự án điện gió gồm Nhà máy Điện gió Đông Thành 1 tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải của Công ty TNHH Điện gió Đông Thành 1, công suất 80 MW, vốn đầu tư 4.477,5 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió Đông Thành 2 tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, của Công ty cổ phần Điện gió Duyên Hải, công suất 120 MW, vốn đầu tư trên 4.975 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió Duyên Hải tại ấp Định An, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải của Công ty cổ phần Điện gió Duyên Hải, công suất 48 MW và Nhà máy Điện gió Thăng Long của Công ty cổ phần Điện gió Thăng Long Trà Vinh, công suất 96 MW, vốn đầu tư 3.860 tỷ đồng.
Nhà máy Điện sinh khối Trà Vinh tại xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú của Công ty cổ phần Năng lượng sinh khối Trà Vinh, công suất 25 MW, vốn đầu tư trên 1.066 tỷ đồng. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2022 và hiện đang xin điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Với dự án này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện đề nghị chủ đầu tư dự án có văn bản đề nghị điều chỉnh bổ sung địa chính thực hiện dự án; phối hợp với UBND huyện Trà Cú thực hiện giải phóng mặt bằng. Đồng thời, giao các đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư triển khai các trình tự thủ tục theo quy định hiện hành.
Đối với 4 dự án điện gió trên, có 2 dự án được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu vào năm 2021; 1 dự án năm 2022 và 1 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu năm 2017. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các chủ đầu tư nhiều lần điều chỉnh chủ trương đầu tư; gặp khó trong giải phóng mặt bằng, chưa thỏa thuận được về tổng diện tích mặt bằng, vấn đề đấu nối, chậm thủ tục pháp lý… dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thi công và hoàn thành dự án.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu
Trên Tạp chí điện tử Kinh doanh Vnbusiness đăng tải: "Việt Nam xem xét lại thuế để tăng nhập khẩu LNG, hàng nông sản của Hoa Kỳ".
Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Jamieson Greer, đánh giá cao sự chủ động và thiện chí của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quan ngại của Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh rằng chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư, bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh quốc gia và người lao động Hoa Kỳ, không nhằm gây phương hại tới các nước đối tác.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng trong trao đổi thương mại, các bên phải đạt được lợi ích kinh tế tương xứng, và Việt Nam cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm mở cửa thị trường và cải thiện cán cân thương mại trong thời gian tới.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đã tăng lên mức 23 tỷ đô la Mỹ vào năm ngoái, theo số liệu công bố vào tháng 2. Việt Nam có thặng dư lớn thứ tư với Hoa Kỳ vào năm 2024, chỉ sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mexico.
Việc Việt Nam nhập khẩu LNG từ Hoa Kỳ đã được đưa ra như một biện pháp để thu hẹp khoảng cách thương mại. Ngành công nghiệp LNG non trẻ của Việt Nam hiện đang dựa vào các hợp đồng giao ngay cho các lô hàng nhỏ, thay vì các hợp đồng nhiều năm được các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ ưa chuộng.
Theo Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN, dự kiến một phái đoàn gồm hơn 60 tập đoàn Hoa Kỳ có kế hoạch đến thăm Việt Nam vào cuối tháng 3. Mặc dù danh sách các công ty tham gia chưa được công bố, nhưng những năm trước đó đã có sự góp mặt của các công ty công nghệ, quốc phòng và năng lượng hàng đầu của Hoa Kỳ.
Trên báo Kinh tế đô thị đăng tải thông tin: "Malaysia siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản từ Việt Nam và các nước".
Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam cho biết, đơn vị vừa có văn bản thông tin về nội dung trên gửi các Cục: Chăn nuôi và Thú y; Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường); Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Malaysia là thị trường nhập khẩu gạo khá lớn của Việt Nam. Ảnh minh hoạ |
Các Hiệp hội: Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam; Cà phê - Ca cao Việt Nam; Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Điều Việt Nam; Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam; Ngành hàng lúa gạo Việt Nam; Rau quả Việt Nam; Yến sào Việt Nam, cũng đã nhận được thông báo trên.
Hiện, Văn phòng SPS Việt Nam đang chờ góp ý về việc Malaysia dự thảo sửa đổi quy định về thực phẩm năm 1985 từ các đơn vị để tổng hợp. Dự kiến sau ngày 1/4/2025, cơ quan này sẽ có báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Lĩnh vực Phòng vệ thương mại
Trên Thời báo Tài chính đăng tải thông tin: "Việt Nam áp dụng phòng vệ thương mại với đường mía nhập khẩu".
Ngày 13/3, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, mới đây cơ quan này đã ban hành Quyết định 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Vương quốc Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia (mã vụ việc AC02-AD13.AS01). Trong quá trình điều tra vụ việc, ngành công thương đã thực hiện theo đúng quy định liên quan của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Việt Nam áp dụng phòng vệ thương mại với đường mía nhập khẩu. Ảnh minh hoạ |
Trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn có bài: "Đối sách nào cho ngành gỗ trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế cao?"
Trước nguy cơ Mỹ áp thuế cao đối với ngành gỗ, doanh nghiệp và các hiệp hội liên quan đang lo ngại và kiến nghị các bộ ngành xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm gỗ từ Mỹ nhằm tránh nguy cơ thuế đối ứng. Theo khuyến nghị từ các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp ngành gỗ cũng cần nâng cao khả năng quản lý và lưu trữ chứng từ về nguồn gốc nguyên liệu, tăng cường năng lực quản trị rủi ro và phát triển bền vững. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi sát sao tình hình thị trường và chính sách, nhằm kịp thời đưa ra phản ứng phù hợp với tình hình thương mại quốc tế. Bằng những chiến lược đa dạng hóa thị trường, phát triển thương hiệu và tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, ngành gỗ Việt Nam có thể tìm ra giải pháp ứng phó hiệu quả trước thách thức từ chính sách thuế của Mỹ, đồng thời củng cố vị thế trên thị trường toàn cầu.
Lĩnh vực Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng
Trên Báo Khánh Hoà có bài: "Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng".
Thời gian qua, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao ý thức của người tiêu dùng (NTD), Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh còn kịp thời hỗ trợ giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, phản ánh của NTD liên quan đến mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ.
Theo báo cáo của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, trung bình mỗi năm, hội nhận được khoảng 250 đơn thư, email, điện thoại, ý kiến phản ánh trực tiếp tại văn phòng hội của NTD trong giao dịch, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng… Hầu hết nội dung các vụ khiếu nại, tố cáo, phản ánh đều được giải quyết thỏa đáng cho NTD. Điển hình như vụ việc bé gái 3 tuổi cùng gia đình (thường trú phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) đến một khách sạn trên đường Phan Chu Trinh, TP. Nha Trang lưu trú. Tại đây, bé chạy nhảy, làm vỡ kính cường lực của khách sạn, nhân viên yêu cầu gia đình bồi thường 10 triệu đồng. Bà Phạm Ngọc Trà My (mẹ bé) không đồng ý với cách giải quyết của khách sạn nên gửi đơn khiếu nại tới Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh. Hội đã trực tiếp làm việc với hai bên và đi đến thống nhất, mỗi bên chịu 50% chi phí thiệt hại thay tấm kính (trị giá hơn 1,3 triệu đồng/bên).
Hay vụ việc ông Trần Hữu Thắng (phường Phước Long, TP. Nha Trang) khiếu nại một cơ sở karaoke trên đường Trần Phú, TP. Nha Trang xuất hóa đơn không đúng với sản phẩm dịch vụ. Cụ thể, tháng 3-2024, ông Thắng có đặt 3 phòng hát karaoke của cơ sở trên cho nhóm khách người Trung Quốc (ông Thắng là người phiên dịch và có trách nhiệm đặt phòng, thanh toán chi phí hóa đơn). Sau khi sử dụng dịch vụ, cơ sở karaoke chỉ xuất hóa đơn giá chung chung, không liệt kê cụ thể từng dịch vụ (vì một số dịch vụ không có trong bảng giá). Sau khi thanh toán xong, ông Thắng đưa khách về mới phát hiện hóa đơn không đúng với dịch vụ bên cơ sở cung cấp. Ông Thắng đã nhiều lần liên hệ với cơ sở karaoke để giải quyết vấn đề nhưng không nhận được sự hợp tác. Vì vậy, ông Thắng đã gửi đơn khiếu nại tới Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh. Sau khi nhận được đơn, hội kịp thời làm việc với cơ sở karaoke trên và cơ sở đã đồng ý trả lại số tiền chênh lệch cho ông Thắng.
Theo bà Trần Thị Ánh Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, bên cạnh hỗ trợ giải quyết các khiếu nại, thời gian qua, hội còn phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội ở các xã, phường tổ chức hội nghị phổ biến, tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cho người dân và cán bộ hội, đoàn thể… Đồng thời đưa các thông tin, vụ việc vi phạm quyền lợi của NTD lên website của hội để khuyến cáo NTD; hướng dẫn, tư vấn cho NTD tự thỏa thuận với đơn vị bán hàng khi xảy ra vụ việc và cách làm đơn khiếu nại khi không thể tự thỏa thuận…
Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2025 (ngày 15-3) với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm” nhằm nâng cao ý thức bảo vệ NTD trước những rủi ro, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Ðặc biệt, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính; bảo đảm quyền cơ bản của NTD, nhất là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2024 và được tập trung tổ chức trong tháng 3 (tháng cao điểm) và kéo dài trong cả năm 2025. Theo đó, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NTD; nghiên cứu, vận dụng luật để xử lý hiệu quả các vụ khiếu nại nhằm bảo vệ quyền lợi NTD… Ngoài ra, hội phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức các hội nghị phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi NTD; tư vấn quyền và trách nhiệm của NTD; kiến nghị các cơ quan nhà nước tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra thị trường, phối hợp tích cực trong việc giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của NTD, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của NTD. Mặt khác, hội khuyến cáo NTD khi mua hàng hóa nên tìm hiểu cẩn thận, yêu cầu xuất hóa đơn đầy đủ, chọn những địa chỉ uy tín. Khi mua hàng nếu có vấn đề gì, NTD nên liên hệ với hội bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở hoặc vào trang web của hội để lại khiếu nại, hội sẽ hỗ trợ giải quyết kịp thời.
Lĩnh vực Thương mại điện tử và Kinh tế số
Trên hanoionline đăng tải thông tin: "Hơn 3.000 vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử".
Theo Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, trong năm 2024, cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra và xử lý hơn 3000 trường hợp vi phạm về hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, cao gấp 3 lần so với năm 2023.
Các vi phạm chủ yếu liên quan đến việc kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, quảng cáo sai sự thật và gian lận về giá. Tổng số tiền xử phạt lên tới gần 2 triệu USD. Đa phần là các mặt hàng kinh doanh điện tử, thời trang…
Ngay trong những tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử siết chặt quản lý, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh
Trên Báo An ninh Thủ đô có bài: "Hơn 15 triệu sản phẩm “made in Vietnam” ra nước ngoài qua sàn thương mại điện tử".
Trong những năm qua, Shopee đã triển khai rất nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp địa phương quảng bá các sản phẩm “made in Vietnam” thuộc đa dạng ngành hàng thông qua nhiều chương trình như: Giỏ cam yêu thương, tôn vinh nông sản Việt...
Riêng trong năm 2024, Shopee đã giới thiệu hai chuỗi livestream định kỳ hàng tháng, gồm “Shopee tinh hoa Việt du ký” và “Đại tiệc livestream trái cây”.
Chương trình xoay quanh các mục tiêu trọng điểm gồm giúp doanh nghiệp và nông dân địa phương trực tiếp chia sẻ câu chuyện thương hiệu, giới thiệu các sản phẩm Việt và lan tỏa nét đẹp văn hóa vùng miền. Tiếp theo là mở rộng và đa dạng hóa kênh phân phối cho các sản phẩm địa phương và trái cây nội địa theo mùa, giúp người bán thúc đẩy doanh số và kinh doanh bền vững với TMĐT.
Cuối cùng là hỗ trợ nâng cao sinh kế cho nhà nông và giúp người dùng tiếp cận đa dạng sản phẩm địa phương chất lượng với mức giá tốt.