An Giang: 35 người ngộ độc sau khi ăn chè từ thiện trong ngày rằm tháng Giêng Vụ ngộ độc sau khi ăn chè đậu trắng miễn phí tại An Giang: 1 người tử vong |
Ngày 8/2, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh An Giang đã có báo cáo gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên quan đến vụ 88 người ngộ độc thực phẩm sau khi ăn chè miễn phí, xảy ra tại ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, H.Chợ Mới.
Theo đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh An Giang đã tiếp nhận mẫu chè đậu trắng mà Trung tâm y tế H.Chợ Mới chuyển cho Bệnh viện đa khoa (BVĐK) trung tâm tỉnh An Giang, Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí minh và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang kiểm định, hiện chưa có kết quả. Tuy nhiên, theo đơn vị này, bước đầu nghi ngờ tác nhân gây ngộ độc thực phẩm là do vi sinh.
Cũng theo báo cáo của Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh An Giang, ngày rằm tháng giêng 2023, bà N.A.T (44 tuổi, ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, H.Chợ Mới) tổ chức nấu và phát miễn phí cho những người sống lân cận và người đi đường có nhu cầu sử dụng.
Bác sĩ tích cực điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn chè đậu trắng. Ảnh: Báo An Giang |
Theo đó, nguyên liệu được sử dụng để nấu chè gồm 20 kg đậu trắng, 8 kg nếp, 10 kg nước cốt dừa, 24 kg đường cát và 20.000 đồng nước tro tàu (chỉ dùng một nửa).
Nước tro tàu là phần nước trong lắng đọng của hỗn hợp tro than (theo cách truyền thống) hoặc hóa chất Natri Hydroxit (NaOH). Nước tro tàu dùng trong chế biến thực phẩm giúp món ăn mềm dẻo, thơm ngon, giữ màu sắc...
Thời gian hoàn thành các công đoạn chế biến là vào lúc 21h ngày 3/2. Đến 4h hôm sau, một nhóm người gồm hàng xóm, người thân của bà Tuyết, bắt đầu chia số chè trên ra các túi và phát miễn phí cho người dân. Công việc phát chè diễn ra trong hai tiếng đồng hồ, mỗi túi chè chứa khoảng 4 chén bao gồm chè bên dưới, nước cốt dừa ở phía trên.
Báo cáo của Chi cục ghi nhận, từ khi nấu xong đến khi phát cho người dùng (khoảng 7 – 9 giờ đồng hồ) chè không được hâm nóng lại.
Những người nhận chè từ bà T. mang về cũng không hâm nóng lại mà ăn trong thời gian từ 11 giờ 30 đến khoảng 15 giờ 30 ngày 4/2. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, nhiều người đến Trung tâm y tế huyện Chợ Mới nhập viện điều trị với các triệu chứng sốt, tiêu chảy, nôn ói. Vụ việc khiến 88 người có dấu hiệu ngộ độc, nôn ói.
Tính đến sáng 8/2, đã có 1 người tử vong, 11 người khác đang được điều trị tại bệnh viện; trong đó 3 người bị nặng điều trị ở Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh An Giang, 8 người điều trị ở bệnh viện tuyến huyện.