Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) Quốc hội thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi) |
Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết là cấp bách và cần thiết, nhằm kịp thời triển khai thi hành Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội |
Trong đó, có giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường và hình thức họp trực tuyến, kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến; hướng dẫn về Hồ sơ về người được giới thiệu, tự ứng cử vào các chức danh để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; thể lệ bỏ phiếu, mẫu phiếu biểu quyết, biên bản kiểm phiếu, biên bản kết quả biểu quyết bằng bỏ phiếu kín, biên bản niêm phong phiếu biểu quyết…
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Dự thảo Nghị quyết gồm 5 Chương với 19 Điều và các phụ lục, biểu mẫu ban hành kèm theo với những nội dung cơ bản sau: Về kỳ họp bất thường: Dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết khoản 3 Điều 1 của Nội quy về kỳ họp bất thường theo hướng quy định cụ thể về cách thức xử lý yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường của các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục tiến hành xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp bất thường (như xem xét, thông qua luật, nghị quyết, hoạt động giám sát, chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng…) được thực hiện theo quy định về kỳ họp tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Về tổ chức kỳ họp Quốc hội theo hình thức họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa họp trực tiếp và họp trực tuyến: Dự thảo Nghị quyết (Điều 6) quy định, nguyên tắc tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến tại kỳ họp, trong đó quy định cụ thể hình thức họp trực tuyến được thực hiện qua hệ thống hội nghị truyền hình giữa điểm cầu chính tại Hà Nội và điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Về hồ sơ nhân sự và thể lệ bỏ phiếu kín: Dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể về hồ sơ nhân sự do cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước, tài liệu khác trong hồ sơ trình Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội; miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn…
Về hiệu lực thi hành: Để đảm bảo đồng bộ, đề nghị quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2023, cùng thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết số 71/2022/QH15 ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định, dự thảo Nghị quyết đã được Ban soạn thảo chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, bám sát yêu cầu, nội dung các quy định có liên quan của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Ban soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đúc kết kinh nghiệm từ tổng kết thực tiễn tiến hành các kỳ họp Quốc hội, nhất là các giải pháp đổi mới, sáng tạo, có hiệu quả trong tổ chức các kỳ họp trực tuyến và họp trực tiếp kết hợp với trực tuyến thời gian qua để hướng dẫn, quy định phù hợp trong dự thảo Nghị quyết.
Đồng thời, đã lấy ý kiến tham gia của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; hướng dẫn cơ bản đầy đủ các nội dung được Quốc hội giao trong Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Về nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành dự thảo Nghị quyết không quy định giới hạn các vấn đề, nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Theo đó “trong trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật”; đồng thời, tạo sự linh hoạt, chủ động cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí xác định nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường để phù hợp với mục đích, yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường là chỉ xử lý những vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách và thời gian tổ chức kỳ họp bất thường thường rất ngắn.
Về hồ sơ trình Quốc hội quyết định về nhân sự (Điều 11), Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu bổ sung hướng dẫn cụ thể về hồ sơ đối với người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào các chức danh để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 30 của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Đề cập về thể lệ bỏ phiếu kín và mẫu phiếu biểu quyết về nhân sự (Điều 12), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc chỉ quy định 02 trường hợp biểu quyết “Tán thành” và “Không tán thành” như trong dự thảo Nghị quyết là thống nhất với Quy chế bầu cử trong Đảng và phù hợp với thực tiễn thực hiện biểu quyết về nhân sự tại Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Nghị quyết này cần ban hành kịp thời đảm bảo đồng bộ trong triển khai, đồng thời bày tỏ tán thành với các ý kiến đã phát biểu về phạm vi điều chỉnh, tên gọi Nghị quyết.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc tổ chức Kỳ họp bất thường do yêu cầu chung, do có chỉ đạo từ Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động đề xuất, cần cân nhắc quy định rõ về thời hạn gửi triệu tập trước khi Kỳ họp bắt đầu sao cho hợp lý, sát với thực tiễn, đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi của Nghị quyết.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. |