Với 85,74% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) |
Trước khi bấm nút thông qua, các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), trong đó, giải trình nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, trước ý kiến băn khoăn của đại biểu về việc không đưa nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp Nhà nước vào phạm vi nợ công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đây là các khoản vay thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp Nhà nước không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật, bảo đảm bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác. Do vậy, không quy định nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp Nhà nước vào phạm vi nợ công.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị xem xét bỏ chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia vì hai chỉ tiêu này bao gồm cả khoản nợ nước ngoài được vay theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức khác. Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung chỉ tiêu nợ Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước và nghĩa vụ trả nợ Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia trên tổng dự trữ ngoại hối quốc gia; nợ công bình quân trên đầu người.
Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là hai chỉ tiêu quan trọng, thể hiện mức độ an toàn nợ nước ngoài của cả nền kinh tế. Hơn nữa, theo thông lệ quốc tế, hầu hết các quốc gia đều sử dụng hai nhóm chỉ tiêu là quy mô nợ (nợ Chính phủ/GDP, nợ công/GDP,…) và chỉ tiêu phản ánh khả năng trả nợ (nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ/thu ngân sách nhà nước hoặc nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia/tổng kim ngạch xuất khẩu) nhằm phản ánh quy mô nợ và khả năng trả nợ của quốc gia. Hệ thống các chỉ tiêu này vừa đảm bảo tính ổn định trong dài hạn, đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát an toàn nợ công, vừa đảm bảo tính thống nhất theo thông lệ quốc tế. Vì vậy, Điều 21 vẫn giữ các quy định về các chỉ tiêu nói trên.
Theo quy định của Luật, nguyên tắc quản lý nợ công được xác định là, Nhà nước quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô… Và, Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.