Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) cho ý kiến vào Dự án Luật Quy hoạch |
Ngay trong nội dung đầu tiên liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Dự án luật, các đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh), Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, Dự án luật tuy đã bao gồm việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện các loại quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch… song vẫn được thiết kế theo hướng luật khung và như vậy là quá rộng.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân phân tích, với kỳ vọng có một luật mang tầm bao quát, điều chỉnh cho mọi đối tượng là không khả thi, khó chế định được các nội dung một cách đầy đủ, rõ ràng. Do đó, cần xác định đây là hoạt động quy hoạch công do nhà nước thống nhất thực hiện, quản lý.
“Theo thống kê, hiện có gần 20 nghìn bản quy hoạch. Việc rà soát, thẩm định hiệu lực, tiến độ triển khai, sự tương thích giữa quy hoạch chi tiết với các quy hoạch cấp trên và phân loại, chuẩn hóa để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia vô cùng phức tạp” - đại biểu Phạm Trọng Nhân bày tỏ.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) thẳng thắn: Cần xác định lại phạm vi điều chỉnh, bởi ngay ở tên của luật và phạm vi đều chỉnh đã cho thấy sự chưa phù hợp với nhau.
Để các quy hoạch từ cấp trung ương, địa phương đáp ứng yêu cầu tạo nền tảng, định hướng cho phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trịnh Ngọc Phương đặt vấn đề phải xây dựng Luật Quy hoạch bao gồm các quy hoạch kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đô thị... nhằm bảo đảm yêu cầu công bằng và bền vững. Đặc biệt, cần quy hoạch thống nhất từ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chi tiết... bởi hiện vẫn tồn tại 2 loại quy hoạch có giá trị như nhau.
Đồng quan điểm, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) góp ý, các quy định liên quan đến quy hoạch cần thể hiện rõ quan điểm quy hoạch, không dừng lại ở việc chỉ sử dụng đất đai, tài nguyên mà cần tính toán cả đến hiệu quả sử dụng các nguồn nhân lực, tài lực khác; yếu tố văn hóa truyền thống, đặc điểm dân cư phải được phân tích, cân nhắc kỹ khi lập quy hoạch. “Ban soạn thảo cần thể hiện rõ hơn phương án đổi mới, sắp xếp lại hệ thống quy hoạch theo hướng tích hợp liên ngành” - đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề nghị.
Một cách khái quát, đại biểu Phạm Văn Tuân (đoàn Thái Bình) nêu ý kiến, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ các nguyên tắc để bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, khả thi của hoạt động quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch thường xuyên thay đổi phá vỡ quy hoạch như thời gian qua. Bên cạnh đó, bổ sung nguyên tắc quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng địa phương nhưng không làm gia tăng sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng, địa phương.
Luật Quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch thời gian qua, bảo đảm tính pháp lý cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. |