Những người “giữ hồn đất nước”
Trong những ngày giáp Tết cổ truyền, chúng tôi đến với ngôi làng may cờ truyền thống, nơi những người thợ từ nhiều năm nay đã thổi hồn cho những lá cờ Tổ quốc. Nghề may quốc kỳ tại làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) có từ năm 1945. Từ đây, hơn 7 thập kỷ qua, những lá cờ Tổ quốc với đủ kích cỡ được gửi đi mọi miền đất nước, theo chân mỗi người con đất Việt ra nước ngoài.
Chị Vương Thị Nhung tâm huyết với nghề thêu tay cờ Tổ quốc |
Theo các cụ cao niên trong làng, những ngày Cách mạng tháng Tám, người dân làng Từ Vân may mắn được trực tiếp tham gia sản xuất tại Tổ Cờ đỏ trên phố Hàng Bông (Hà Nội) và được giao nhiệm vụ may cờ Tổ quốc phục vụ cách mạng. Cách mạng thành công, đất nước giành độc lập trở thành nguồn động lực để những người thợ Từ Vân gắn bó với việc may cờ Tổ quốc. Người dân làng Từ Vân vẫn luôn tự hào bởi thế hệ cha ông họ là những người đã may những lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên ở Hà Nội và gìn giữ nghề truyền thống đến ngày nay.
“May cờ Tổ quốc vừa là gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, vừa là niềm tự hào khi làm nên một điều thiêng liêng mang hồn dân tộc”, đó là lời chia sẻ của anh Nguyễn Văn Phục - người thợ trong gia đình có truyền thống 4 đời may cờ. Xưởng sản xuất của anh Phục là cơ sở làm cờ có quy mô lớn nhất trong làng, hầu như lúc nào cũng tất bật trong guồng quay người cắt, người may, người in… “Mỗi ngày, xưởng sản xuất hàng nghìn lá cờ đủ loại, đủ kích cỡ. Đặc biệt, trong năm qua, cả nước cuồng nhiệt với bóng đá, lượng công việc ở xưởng vì thế mà tăng lên gấp nhiều lần” - anh Phục vui vẻ nói.
Nổi tiếng bởi tay nghề thêu thủ công sao vàng năm cánh, chị Vương Thị Nhung bày tỏ tâm huyết với nghề truyền thống đã gắn bó từ khi còn nhỏ. Chị cho biết, một lá cờ được thêu tay sẽ đẹp hơn nhờ chỉ thêu to, bóng, tạo sự mềm mại. Nghề của chị do cụ thân sinh truyền lại. Hiện nay, gia đình chị Nhung là nơi duy nhất trên cả nước còn giữ nghề thêu tay cờ Tổ quốc.
May một lá cờ phải có chuẩn mực riêng, tuy không yêu cầu kỹ thuật cao nhưng cần sự tỉ mỉ, khéo léo; muốn giữ nghề, cần những người thợ lành nghề và tâm huyết. Những người như anh Phục, chị Nhung đều cảm thấy tự hào khi mỗi lá cờ được hoàn thành, đó là nghề, cũng là niềm tự hào trong tim người thợ. Họ vẫn tiếp tục miệt mài biến những tấm vải đỏ, vàng thành lá cờ đỏ sao vàng mang hồn Tổ quốc cho hôm nay và mai sau.
Niềm tự hào lớn lao
Những lá cờ đi khắp mọi miền đất nước, bay phấp phới nơi địa đầu Tổ quốc đến tung bay trong gió biển nơi đảo xa; từ trên đường phố lớn đến treo nơi trang trọng nhất trong mỗi ngôi nhà… Nền cờ đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng, cho máu và nước mắt đã rơi xuống vì nền độc lập của nước nhà. Màu vàng của ngôi sao ở chính giữa là biểu tượng của linh hồn dân tộc. Năm cánh sao vàng đại diện cho tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân. Hơn 70 năm qua, ở những thời khắc hào hùng của Việt Nam, luôn có hình ảnh của lá cờ đỏ sao vàng.
Một lá cờ thêu tay cần đến 4 - 5 ngày để hoàn thành |
Trong những năm kháng chiến, lá cờ tung bay cùng với giai điệu của khúc hành quân đã cổ vũ tinh thần toàn quân, toàn dân ta làm nên những chiến thắng vẻ vang. Sau này, cờ đỏ sao vàng vẫn mãi là hình ảnh thiêng liêng mang hồn đất nước. Mỗi dịp lễ lớn, cờ đỏ rợp trời, sắc đỏ tràn ngập phố lớn, ngõ nhỏ. Những ngày đất nước bùng cháy cùng tinh thần bóng đá quốc gia, hàng triệu người đổ ra đường ăn mừng không quên mặc áo cờ đỏ sao vàng, trên tay cầm cờ Tổ quốc, hòa chung vào hào khí dân tộc. Với những vận động viên đại diện quốc gia thi đấu, lá cờ đỏ sao vàng được trân trọng đặt tại ngực trái, nơi họ sẽ đưa tay chạm đến mỗi khi tiếng Quốc ca vang lên. Những người thợ như anh Phục, chị Nhung cũng tự hào rằng, trong vô số những niềm hân hoan xúc động đó, có những lá cờ do tự tay mình làm.
“Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước” - ai cũng từng đứng dưới quốc kỳ ngân vang khúc hát Quốc ca tràn đầy hào khí, đó là nghi thức thiêng liêng, thổn thức trái tim mỗi người con Việt Nam. Lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang trước nền trời cao xanh vừa ghi đậm dấu ấn về một thời oanh liệt, vừa thể hiện khát vọng và niềm tin vào tương lai sáng tươi, là biểu tượng của hồn nước, lòng dân.
Dù ở bất cứ nơi đâu, lá quốc kỳ là đại diện của một quốc gia, là tín hiệu cho người ta biết mình đến từ đâu, là ngọn lửa thắp lên lòng tự tôn dân tộc.
Khi trông thấy lá cờ đỏ sao vàng, Việt Nam muôn người như một.