
CôngThương - Lạm phát đang có dấu hiệu đi xuống, đây có phải là thời điểm phù hợp để hạ lãi suất không, thưa ông?
Chúng ta đã để lãi suất cao kéo dài, tôi cho đó là hơi quá liều nên cần phải có các giải pháp quyết liệt để hạ mặt bằng lãi suất cho vay xuống nữa. Bên cạnh đó, hệ lụy của chính sách tiền tệ thắt chặt cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp bị phá sản.
Lạm phát từ 23% vào tháng 8/2011 xuống còn 8% vào tháng 5/2012, theo tôi lạm phát năm nay khoảng 8% là hợp lý, cho nên không có lý do gì để lãi suất quá cao trong thời điểm này. Thông điệp cần thiết của Chính phủ là chúng ta kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức hợp lý.
Theo ông, chính sách lãi suất ở thời điểm này như thế nào là phù hợp?
Tôi nghĩ thời điểm này chúng ta có thể xem xét lại các chính sách lãi suất và điều hành lãi suất nên theo hướng tự do hóa lãi suất. Với chỉ số lạm phát trên, với nền kinh tế này phải giảm sâu lãi suất huy động và có thể kéo xuống ở mức 10%. Ngân hàng Trung ương có thể đưa ra một mức lãi suất như lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, nhưng phải có một thông điệp, khi chúng ta kéo lãi suất về 10% thì sẵn sàng cho bất kỳ ngân hàng nào vay ở mức 10%. Những ngân hàng nào cần vốn thì chạy đến Ngân hàng Trung ương để vay 10% chứ không cần phải vượt trần. Ngân hàng Trung ương nếu có thông điệp đó, mạnh dạn đưa vốn ra thị trường để hỗ trợ cho thị trường, lúc đó chúng ta sẽ xóa đi việc cạnh tranh vốn trên thị trường hiện nay, từ đó chúng ta có điều kiện giảm sâu lãi suất cho vay.
Có ý kiến cho rằng chính sách lãi suất hiện nay vẫn “làm khó” doanh nghiệp, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi thấy Thống đốc Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất đang đi đúng hướng, tức là lãi suất sẽ đi theo lạm phát cơ bản, nếu đi theo CPI chúng ta sẽ chạy theo cơn sóng vì giá xăng dầu thế giới bùng lại thì nó sẽ làm CPI lại tăng lên, lúc đó lãi suất sẽ lại phải tăng theo. Lãi suất mà thay đổi quá sẽ làm cho doanh nghiệp không dự báo được và không quyết định đầu tư. Hiện nay có tình trạng doanh nghiệp phòng thủ rất lớn và không biết làm gì. Do đó, thông điệp của chúng ta là phải giữ lãi suất ở mức thấp trong thời gian dài và kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát để giữ lãi suất theo hướng đó.
Bên cạnh đó, tôi cũng rất mong muốn và đang chờ đợi Thống đốc từ nay cho đến cuối năm đưa ra những kịch bản như mua bán, sáp nhập, giải thể, ngừng hoạt động, cơ cấu ngân hàng thương mại yếu kém phải dứt điểm, vì nếu để càng lâu thì nền kinh tế càng phải gánh chịu những hậu quả. Chúng ta cũng đã thấy trong thời gian qua sự cạnh tranh đó làm lãi suất cao đang giết chết nền kinh tế, cụ thể là đang giết chết doanh nghiệp. Cho nên cần phải làm nhanh, làm mạnh hơn nữa việc tái cơ cấu ngân hàng đem lại mặt bằng lãi suất thấp cho doanh nghiệp.