Theo các ngành chức năng khuyến cáo thì bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò không lây sang người. Nhưng do tâm lý e ngại, nên khá nhiều người tiêu dùng hạn chế sử dụng thịt các loại gia súc này khiến thị trường thịt trâu, bò lâm vào cảnh " chợ chiều".
Theo các tiểu thương tại chợ truyền thống thì thời gian gần đây lượng người mua thịt bò giảm đến khoảng 60-70%. |
Cả tuần nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã xuất hiện tại một số địa phương ở thành phố Vinh, Nghi Liên, Nghi Đức, Nghi Phú (Nghệ An), với tổng số trâu bò nhiễm bệnh khoảng trên 50 con. Còn tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang có hơn 600 con trâu bò có triệu chứng lâm sàng của bệnh này, đang được cách ly, giám sát theo dõi chặt chẽ.
Trái với không khí mua bán tấp nập của thời điểm một tháng trước đây, những ngày này, tại quầy bán thịt bò của chị NguyễnThị Nhung, tiểu thương bán thịt bò tại chợ Quang Trung (TP.Vinh) kém nhộn nhịp hẳn.
Chị Nhung cho biết, bò được giết mổ đều là những con khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch tại các lò trên địa bàn. Thế nhưng, do tâm lý, nhiều người vẫn e ngại nên buôn bán luôn trong tình trạng ế ẩm. Giá thịt bò vẫn ổn định từ 200.000 đồng – 240.000 đồng/kg nhưng sức mua giảm hẳn. Trước khi có dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xuất hiện, mỗi ngày, quầy của chị bán ra từ 70 - 100 kg thịt bò. Một tháng trở lại đây, lượng thịt bán ra giảm hẳn, có khi chỉ tiêu thụ được 10 kg mỗi ngày.
Nhiều chợ cũng chung tình trạng ế ẩm. Theo nhiều tiểu thương, dù thịt được lấy từ các nguồn hàng đảm bảo, có dấu kiểm dịch rõ ràng nhưng người tiêu dùng vẫn không mấy mặn mà. Có những quầy hàng bán thịt bò tại một số chợ đã phải nghỉ bán.
Lý giải về tâm lý e ngại này, Chị Hoàng Lan, tại Phường Lê Mao (TP Vinh) chia sẻ, giờ cứ nghe nói đến dịch bệnh là sợ nên để đảm bảo cho sức khỏe cho gia đình, chị tạm thời cho cả nhà “kiêng” thịt bò vài tháng. Đến khi dịch bệnh ổn định rồi mới tính tiếp.
Không riêng các tiểu thương buôn bán thịt trâu, bò gặp khó mà thời gian này, các cửa hàng ăn uống có sử dụng thịt bò như phở, bún… lượng tiêu thụ cũng giảm hẳn. Kéo theo đó, các mặt hàng như giò chả, xúc xích làm từ thịt bò cũng vắng khách, có nhiều quán ăn sáng chuyên bún bò, trước tâm lý e ngại thịt bò của thực khách đã bán thêm phở gà, súp lươn…
Thời gian qua, 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có nhiều biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, đặc biệt việc giám sát, quản lý gia súc bị mắc bệnh được thực hiện tốt. Các hộ chăn nuôi có gia súc mắc bệnh đều phải cam kết cách ly, theo dõi con vật và chăm sóc chữa trị. Nếu vật nuôi không khỏi bệnh phải lập tức tiêu hủy.
Quầy thịt bò, bê tươi ngon nhưng do tâm lý e ngại của người tiêu dùng nên vẫn rất vắng thực khách. |
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virus này không gây bệnh và lây lan sang người.Vì vậy, người tiêu dùng không nên hoang mang và tẩy chay với thịt trâu, bò mà cần thực hiện ăn chín, uống sôi; sử dụng sản phẩm thịt bò rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu kiểm dịch rõ ràng.
Hiện việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc đang được kiểm soát chặt. Hà Tĩnh có gần 40 cơ sở giết mổ gia súc tập trung đang được quản lý tốt, kiểm soát giết mổ bình quân đạt trên 80%. Các con vật được giết mổ đều phải đang khỏe mạnh và không có dấu hiệu mắc bệnh.Tất cả các lò mổ đều được ngành chức năng địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, đóng dấu kiểm dịch lên sản phẩm thịt; được đưa đến các điểm bán hàng tin cậy, góp phần thu hẹp nguồn lan truyền, qua đó kiểm soát thành công dịch bệnh…ông Hùng cho biết thêm.
Ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cũng khẳng định: Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò không lây sang người. Hiện, dịch bệnh này đang được kiểm soát chặt chẽ, công tác kiểm dịch ở các lò mổ được thắt chặt nhằm đảm bảo nguồn thịt an toàn khi xuất ra thị trường. Do đó, người tiêu dùng không nên tẩy chay, quay lưng với thịt trâu, bò. Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiếp nhận 10.000 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trâu, bò được nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ để tiêm phòng, hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.
Chính vì vậy người tiêu dùng nên “cởi bỏ” tâm lý e ngại, không nên “quay lưng” với thịt trâu bò, góp phần giúp người chăn nuôi vượt qua thời điểm khó khăn như hiện nay - ngành chức năng khuyến cáo.
Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng cần tìm mua thịt có nguồn gốc, có dấu kiểm dịch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; kiểm tra kỹ các dấu hiệu trên thịt như màu sắc, độ bám dính tự nhiên, không thấy nhớt và ướt nước khi ấn vào thịt, không có mùi hôi. Đồng thời phải tuân thủ ăn chín, uống sôi.
Viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virus này không gây bệnh và lây lan sang người. Vì vậy người dân hoàn toàn yên tâm sử dụng thịt trâu, bò đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, được kiểm dịch. |