Trưa ngày 21/8, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp khẩn để bàn về điều tiết, sử dụng hiệu quả nguồn nước từ các hồ thủy điện để khôi phục cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Đà Nẵng tiếp tục "khủng hoảng" thiếu nước sạch |
Đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, theo dự báo đến hết tháng 9/2019, khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với tình hình hạn hán, nắng nóng kéo dài và không có mưa. Trong khi đó, nguồn nước hiện còn lại tại các hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vào đến ngày 20/8 đã xuống đến mực nước chết và nếu kéo dài tình trạng này sẽ không đủ nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Hiện chỉ còn 2 hồ thủy điện có thể điều tiết nước về hạ du sông Vu Gia gồm hồ A Vương và hồ Đắk Mi 4.
Dung tích còn lại của hồ A Vương so với mực nước chết vào sáng 20/8 là 28,55 triệu m3. Nếu huy động hồ A Vương xả theo Quy trình với lưu lượng 28 m3 /s thì thời gian còn lại có thể xả nước là 23,56 ngày; nếu tăng lưu lượng xả để giảm mặn cho Cầu Đỏ theo đề nghị của Dawaco thì phải xả lên đến 50-70 m3 /s và khoảng 10 ngày là hồ cạn nước.
Dung tích còn lại của hồ Đắk Mi 4 so với mực nước chết vào sáng 20/8 là 16,76 triệu m3. Nếu không huy động hồ Đắk Mi 4 phát điện (xả nước về sông Thu Bồn) và xả nước về hạ lưu sông Vu Gia theo Quy trình với lưu lượng 12,5 m3 /s thì thời gian còn lại có thể xả nước là 15,5 ngày; nếu tăng lưu lượng xả để giảm mặn cho Cầu Đỏ theo đề nghị của Dawaco thì phải xả lên đến 25 m3 /s và khoảng 7,7 ngày là hồ cạn nước.
Tại cuộc họp, UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Công ty CP Thủy điện Đăk Mil bắt đầu từ 15h00 chiều nay (21/8) vận hành xả nước từ hồ thủy điện Đăk Mi 4 về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng 25 m3/s đến khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ giảm xuống dưới 1.000 mg/l thì vận hành trở lại theo quy trình vận hành liên hồ chứa. Sở TN-MT Đà Nẵng cũng đề nghị hồ thủy điện Đăk Mi 4 ngừng phát điện, giữ lại nguồn nước trong hồ để Đà Nẵng có nước và cứu hơn 4.000ha lúa của tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng đang thiếu nước.
Hồ thủy điện A Vương vận hành xả nước liên tục 24 giờ với lưu lượng trung bình không nhỏ hơn 70 m3/s. Đến 15h00 ngày 22/8 sẽ vận hành xả nước lại bình thường theo quy trình liên hồ.
Đề nghị Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 1 và Công ty Sông Bung phố hợp với 2 đơn vị thủy điện trên vận hành xả nước đồng thời hồ thủy điện Sông Bung 5 và Sông Bung 6.
Công ty Cấp nước Đà Nẵng chủ động lấy nước từ đập dâng An Trạch và triển khai hiệu quả nguồn nước điều tiết từ các hồ chứa thủy điện để phôi phục cấp nước cho người dân, theo dõi sát độ mặt tại cửa thu nước Cầu Đỏ để kịp thời giải quyết nếu có sự cố.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thủy điện đã thống nhất với phương án “hi sinh” sản xuất điện để giữ nước “cứu hạ du”. Tuy nhiên, đại diện các hồ thủy điện cho rằng cần có những giải pháp căn cơ lâu dài, vì hiện tại các hồ thủy điện đang ở mực nước chết và phương án cấp nước liên tục cũng phải tính đến nguy cơ mùa mưa về trễ.
Thủy điện A Vương và Đăk Mi 4 được đề nghị xả nước khẩn cấp, liên tục trong 24 giờ để đẩy mặn, chống hạn cho hạ du |
Được biết, cũng trong ngày 21/8, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc phối hợp chống hạn, đẩy mặn. Song song với đó có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo Bộ Công Thương yêu cầu Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia huy động điện của các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn từ nay đến hết mùa cạn (ngày 31/8/2019) và kéo dài đến ngày 15/9/2019 theo phương án do UBND tỉnh Quảng Nam và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp đề xuất.
Theo ông Hồ Minh Nam – Phó Tổng giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng, trong 2 ngày 19 và 20/8, nguồn nước phục vụ sinh hoạt người dân đã bị thiếu hụt đến hơn 110.000 m3. Về giải pháp, trước mặt Dawaco đang khẩn trương cung ứng bồn chứa nước di động phục vụ các khu vực chung cư, nhà cao tầng trong vài ngày tới.