Thiếu máu: bệnh thường gặp nhưng không phải ai cũng hiểu rõ |
Ngày càng nhiều người bị thiếu máu thiếu sắt
Sắt là một chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mà chúng ta nhận được từ thức ăn. Sắt có trong hemoglobin, được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu. Hemoglobin mang oxy trong máu từ phổi đến phần còn lại của cơ thể. Oxy cần thiết trong não để tập trung và trong cơ bắp để cung cấp năng lượng thể chất. Sắt cần thiết để duy trì một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Sắt cũng cần thiết để duy trì các tế bào, da, tóc và móng khỏe mạnh.
Tuy nhiên, đây lại là bệnh lý rất phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), ước tính có 7% trẻ mới biết đi, 4-5% trẻ em, 9-16% phụ nữ, 2% nam giới tuổi dậy thì và trưởng thành bị thiếu sắt, với tỷ lệ nhỏ hơn dẫn đến thiếu máu. Người lớn trên 65 tuổi có tỷ lệ thiếu sắt cao hơn, từ 12-17%. Tình trạng thiếu sắt phổ biến ở các nước đang phát triển, với tỷ lệ mắc từ 30-70%.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, ngày càng có nhiều người bị ảnh hưởng bởi bệnh thiếu máu do thiếu sắt hơn so với sự thiếu hụt vi các chất dinh dưỡng khác. Trước khi tình trạng thiếu máu xảy ra, thiếu sắt đã làm ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, hệ thống thần kinh, giảm khả năng miễn dịch, giảm hoạt động thể chất và suy giảm nhận thức…
Để kiểm tra tình trạng thiếu sắt, bác sĩ sẽ lấy máu để đo nồng độ hemoglobin. Phạm vi hemoglobin bình thường đối với phụ nữ hoảng 12 - 15 gam trên mỗi decilit. Đối với nam giới 13,5 - 17,5 gram mỗi decilit.
Nếu kết quả xét nghiệm dưới mức bình thường, bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm, nội soi hoặc các xét nghiệm thăm khám khác để kiểm tra có xuất huyết bên trong hay không. Nếu đó không phải là nguyên nhân thì tiếp tục có những lý do khác khiến có thể dẫn đến thiếu sắt.
Triệu chứng và nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt không phải là bệnh lý cấp tính. Tuy nhiên, lại ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khỏe cũng như năng suất lao động của người bệnh. Về lâu dài, tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đặc biệt là phụ nữ có thai. Do đó, cần nhận biết những dấu hiệu sớm để phát hiện và điều trị kịp thời.
Mệt mỏi được coi là biểu hiện thường gặp, ngoài ra còn có các dấu hiệu như khó tập trung hay giảm năng suất làm việc.
Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, lưỡi nhợt, nhẵn do mất hoặc mòn gai lưỡi, lông, tóc, móng khô dễ gãy.
Chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu là do thiếu máu oxy lên não không đủ làm các mạch máu sưng lên, gây áp lực dẫn đến đau đầu hoặc đau nửa đầu.
Đau ngực, khó thở, triệu chứng này trở nên nặng hơn khi gắng sức, hoạt động thể lực. Triệu chứng này có thể vì hàm lượng hemoglobin trong cơ thể ít hơn bình thường dẫn đến oxy vận chuyển đến các tế bào bị hạn chế.
Tim đập nhanh là một triệu chứng do thiếu sắt gây ra, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim.
Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu sắt, như: Do tăng nhu cầu sắt ở trẻ em tuổi dậy thì, phụ nữ có thai, cho con bú…; ăn không đủ, ăn kiêng, chế độ ăn không cân đối, chế độ ăn uống của người nghiện rượu, người già…; viêm dạ dày, viêm ruột; cắt đoạn dạ dày, ruột; do ăn một số thức ăn làm giảm hấp thu sắt như tanin, phytat trong chè, cà phê, nước uống có ga…
Loét dạ dày tá tràng biến chứng chảy máu, ung thư đường tiêu hóa, nhiễm giun móc, polyp đường ruột…; viêm chảy máu đường tiết niệu; mất máu sau phẫu thuật, sau chấn thương, u xơ tử cung… tan máu trong lòng mạch; rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh (hypotransferrinemia)...
Phương pháp điều trị bệnh thiếu máu thiếu sắt
Theo các chuyên gia, ở giai đoạn sớm khi mới thiếu sắt chưa thiếu máu bổ sung sắt qua thức ăn và uống các chế phẩm chứa sắt. Thời gian bổ sung sắt kéo dài, nên tiếp tục bổ sung sắt thêm ba tháng sau khi lượng huyết sắc tố trở đã về bình thường. Tuy nhiên cần phối hợp với điều trị nguyên nhân, tìm được nguyên nhân gây thiếu sắt để điều trị đồng thời với điều trị thiếu máu thiếu sắt.
Ở giai đoạn sớm khi mới thiếu sắt chưa thiếu máu cần bổ sung sắt qua thức ăn |
BSCKII. Nguyễn Thị Thảo - Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học – Truyền máu TW – chia sẻ: Phải chẩn đoán và điều trị nguyên nhân gây thiếu sắt một cách triệt để, tránh gây thiếu sắt tái phát.
Nguyên tắc điều trị được bác sĩ Thảo đưa ra, đó là: Hạn chế truyền máu, chỉ truyền máu trong trường hợp thiếu máu nặng, mất bù. Cần bổ sung các dạng chế phẩm sắt bằng truyền tĩnh mạch hoặc dung dịch uống, viên nén, khuyến khích sử dụng thuốc bổ sung sắt dạng uống.
Chỉ định sử dụng sắt đường truyền tĩnh mạch trong trường hợp thiếu máu thiếu sắt nặng, rất nặng; cơ thể không hấp thu được sắt khi dùng dạng uống; thiếu máu trong khi bệnh mạn tính hoặc viêm nhiễm đang tiến triển...
Các chế phẩm thuốc bổ sung sắt ở dạng uống như Ferrous sulfate, ferrous gluconate, ferrous fumarate, với liều lượng 2mg sắt/kg/ngày. Thời gian dùng thuốc nên duy trì 6 - 12 tháng và bổ sung thêm vitamin C hoặc uống thêm nước cam, chanh để tăng khả năng hấp thu sắt. |