Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đang tích cực triển khai các phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu - bao gồm cả trong nước và nhập khẩu |
Tính toán để tự chủ nguồn cung
Từ đầu tháng 1/2022, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm công suất từ mức 100% xuống mức 80% và sau đó chỉ ở mức 55-60% công suất. Do cắt giảm công suất sản xuất nên việc giao hàng thực tế cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2 năm 2022 đã bị giảm 50% so với kế hoạch (tháng 2 kế hoạch giao là 739.900 m3, nhưng thực tế chỉ giao được 365.200 m3; trong đó xăng giảm 40% và dầu DO giảm 58%), tháng 3 giảm 20% so với kế hoạch (kế hoạch giao 680.000 m3 nhưng dự kiến giao hàng chỉ là 556.000 m3 trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%).
Đối với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, do nguồn cung xăng dầu trong nước giảm nên từ cuối tháng 1/2022, Nhà máy đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2/2022 đã nâng công suất lên 105%. Theo đó, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 350.000 m3 xăng và 270.000 m3 dầu mỗi tháng. Tuy nhiên, mức tăng thêm 5% (tương đương 28.000 m3 xăng dầu) chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất).
Bộ Công Thương cho hay, ngay từ khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng lượng nhập khẩu và huy động các nguồn xăng dầu từ nguồn dự trữ và từ các nhà sản xuất. “Vì vậy, nguồn cung xăng dầu trong 2 tháng cơ bản đáp ứng. Nhưng tháng 3, nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng xăng dầu từ sản xuất trong nước tiếp tục giảm so với kế hoạch 20%, nhưng nhờ tồn kho tháng 2 gối đầu sang nên cơ bản vẫn đáp ứng”- báo cáo nêu rõ.
Hiện Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn chưa có kế hoạch giao hàng trong tháng 4, tháng 5 và chưa rõ kế hoạch vận hành lại sau tháng 5.
Do đó, trên cơ sở làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ Công Thương thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến giá thị trường thế giới, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới sẽ cơ bản được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước của doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu “huyết mạch” cho nền kinh tế, Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối trong tổng số 35 doanh nghiệp nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu (gồm 840 nghìn m3 xăng và 1,56 triệu m3 dầu) để bù đắp thiếu hụt, đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng trong quý II/2022 nếu Lọc hóa dầu Bình Sơn không đủ cung ứng.
Với chỉ tiêu nhập khẩu thêm được giao chiếm tới 45% tổng lượng nhập khẩu chung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Nguyễn Xuân Hùng cho biết, ngay sau khi Nhà máy có thông báo giảm sản lượng, Petrolimex đã rà soát lại các hợp đồng nhập khẩu với các đối tác và thực hiện ký kết ngay từ đầu năm 2022, trước khi có sự chỉ đạo của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, Petrolimex cũng ký kết các hợp đồng mới phù hợp với chỉ tiêu và sản lượng mà Bộ Công Thương giao cho Petrolimex phải nhập khẩu.
Rõ ràng trong bối cảnh này, công tác dự báo sớm, lường trước các nguy cơ, rủi ro từ phía cơ quan quản lý nhà nước để điều hành kịp thời là rất quan trọng. Và Bộ Công Thương đã nhận diện đúng vấn đề để đưa ra những quyết định sát và kịp thời. “Không chỉ hết quý III/2022 mà khẳng định từ nay trở đi sẽ không có chuyện thiếu xăng dầu. Trước đây kể cả khi Việt Nam còn phải nhập 100% xăng dầu thì chuyện thiếu nguồn, khan hàng cũng chưa bao giờ xảy ra. Huống chi trong nước giờ đã tự chủ được đến 70% nguồn cung thì không có lý gì thiếu hàng”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ quan điểm.
Đồng bộ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối
Để bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu trong nước trong dài hạn, thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu (doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng).
Theo đó, từ kỳ điều hành giá xăng dầu đầu năm 2022 đến kỳ ngày 11/3, 6 kỳ điều hành đều tăng thì giá xăng dầu các loại tăng từ 4.625 - 7.030 đồng/lít/kg. Giá xăng dầu được kiềm chế nhờ vào việc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ngoài duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc hệ thống phân phối, cũng cần chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh mức chiết khấu trong hệ thống phân phối hợp lý, tránh gián đoạn việc cung úng xăng dầu cho thị trường |
Với kỳ điều hành ngày 11/3, sau khi thực hiện điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu cụ thể như xăng E5RON92 không cao hơn 28.985 đồng/lít nếu không chi quỹ bình ổn giá ở mức 750 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 3.658 đồng/lít và giá bán sẽ là 29.735 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 29.824 đồng/lít nếu không chi quỹ bình ổn giá ở mức 1.000 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 3.990 đồng/lít và giá bán sẽ là 30.824 đồng/lít.
Bộ Công Thương cho rằng, đây là mức tăng thấp hơn so với đà tăng của giá xăng dầu thế giới. Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11-3 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 44,01% đến 60,02% nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 24,91% - 39,56%.
Việc này cũng khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Công Thương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công thương phân giao từ đầu năm 2022 và lượng phân giao bổ sung.
Với Bộ Tài chính, kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương là rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp, nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.
Với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị Uỷ ban chỉ đạo PVN triển khai các nhiệm vụ đã thống nhất với Bộ Công Thương để nhanh chóng khắc phục sự cố của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và cam kết có kế hoạch cung ứng xăng dầu ổn định từ nguồn sản xuất trong nước cho thị trường để phục vụ công tác điều hành của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ngoài duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc hệ thống phân phối, cũng cần chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh mức chiết khấu trong hệ thống phân phối hợp lý, tránh gián đoạn việc cung úng xăng dầu cho thị trường.