Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 20/2/2024: Thị trường hàng hóa thế giới trầm lắng trong ngày nghỉ lễ President's day Thị trường ca cao thế giới đang tạo nên bước ngoặt mới, kỷ nguyên mới |
Giá ca cao trên thị trường thế giới tăng dữ dội trong những phiên giao dịch gần đây, vượt qua mốc 10.000 USD/tấn lần đầu tiên trong lịch sử vào phiên ngày 26/3.
Giới chuyên gia dự báo, người tiêu dùng sẽ sớm cảm nhận rõ sự tăng giá này, trong bối cảnh thế giới đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung ca cao nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.
Giá ca cao giao tháng 5 trên sàn ICE ở Mỹ kết thúc phiên với mức tăng 3,9%, đạt kỷ lục 10.030 USD/tấn. Từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này đã tăng gần 138%.
Ảnh minh họa |
Giá ca cao tăng vọt làm dấy lên quan ngại về tác động dây chuyền có thể khiến giá socola tăng cao, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới đang chật vật đối phó với lạm phát.
Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cacao trầm trọng nhất trong hơn 60 năm và người tiêu dùng có thể bắt đầu thấy tác động trực tiếp vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2025. Tổ chức Cacao Quốc tế dự báo nguồn cung cho niên vụ 2023-24 thiếu hụt 374.000 tấn, nhiều hơn 405% so với mức thâm hụt 74.000 tấn trong niên vụ trước.
Theo CNBC, giá ca cao đã tăng vọt hơn 200% trong 3 tháng qua từ mức 4.280 USD/tấn vào tháng 12/2023 và hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, khi giá mặt hàng này ở mức 2.902 USD/tấn.
Giới chuyên gia cho rằng giá mặt hàng này tăng đột biến là do tình trạng mất mùa ở Tây Phi khi 2 quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất, Bờ Biển Ngà và Ghana, phải vật lộn với tình trạng biến đổi khí hậu khắc nghiệt và dịch bệnh trong nhiều tháng qua.
Sự gián đoạn trong nguồn cung được thấy rõ nhất tại các quốc gia sản xuất chính là Bờ Biển Ngà và Ghana. Hai nước này chiếm khoảng 60% sản lượng ca cao toàn cầu.
Theo báo cáo của Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO) vào cuối năm ngoái, mưa lớn và sự lây lan của bệnh đốm đen trên quả ca cao ở hai nước nói trên đã ảnh hưởng đến sản lượng ca cao.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết, thiếu hụt nguồn cung trầm trọng tại các nước sản xuất chính tiếp tục thúc đẩy giá ca cao. Theo Chính phủ Bờ Biển Ngà, tính từ đầu vụ đến ngày 24/3, lượng ca cao vận chuyển đến các cảng tại nước này đã giảm 28% so với cùng kỳ vụ trước, đạt 1,28 triệu tấn. Cùng với đó, sản lượng ca cao niên vụ 2023-2024 của Bờ Biển Ngà ước tính giảm 21,5%, xuống 1,75 triệu tấn.
Giá ca cao đã bắt đầu tăng trong năm 2023 do tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Thị trường này càng tăng giá mạnh hơn trong năm 2024 do thời tiết xấu ở khu vực Tây Phi - khu vực trồng ca cao lớn nhất thế giới - khiến nguồn cung khan hiếm và gây áp lực đối với giá thành sản phẩm.
Giá ca cao tăng cũng ảnh hưởng đến sản lượng của các nhà sản xuất bánh kẹo. Mới đây, Tập đoàn thực phẩm và đồ uống Nestle của Thụy Sĩ thông báo doanh số bán hàng của hãng trong năm 2023 sụt giảm sau khi hãng quyết định tăng giá thành sản phẩm thêm 7,5% do chi phí nguyên liệu sản xuất, trong đó có ca cao, tăng.