Ông có thể cho biết quan điểm của mình trước một số ý kiến cho rằng thủy điện lấy mất rừng tự nhiên?
Theo tôi, không có gì tuyệt đối chỉ có lợi mà không có hại. Chúng ta thử đặt ra một câu hỏi, nếu không có thủy điện thì lấy đâu ra nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế, dân sinh. Việc giữ rừng tự nhiên là điều cần thiết và nên làm, thực tế chúng ta đã và đang làm. Do đó, chúng ta không nên tuyệt đối hóa quá, rằng cứ chỉ có giữ rừng hay chỉ có làm thủy điện. Hai cái này phải tính toán thật kỹ lưỡng.
Đại biểu Bùi Văn Cường (Đoàn Đăk Lăk) |
Thực tế, trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta cần giải quyết được bài toán về năng lượng trong đó có thuỷ điện nhưng có tính toán, cân nhắc. Chính vì thế, Quốc hội đã quy định, liên quan đến đất rừng phải được Quốc hội xem xét thông qua, chứ không vì phát triển kinh tế mà hủy hoại môi trường và mất đi tính bền vững, nhưng ngược lại nếu chỉ giữ rừng mà không xét đến yếu tố thúc đẩy phát triển thì cũng hơi cực đoan. Đây là hai mặt của một vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng từng dự án cụ thể, từng công trình cụ thể. Tôi cho rằng, hiện nay Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Quốc hội đang triển khai là rất trúng, rất đúng.
Ông đánh giá như thế nào về việc phân cấp quản lý cho địa phương trong việc quản lý vận hành thuỷ điện?
Tôi cho rằng phân cấp là đúng. Chúng ta đã có quy định, quy trình cụ thể. Vấn đề ở đây là câu chuyện xả lũ ở các hồ thủy điện cũng như các hồ đập thủy lợi hiện nay nếu thực hiện quy trình thì rất đúng, nhưng việc tổ chức thực hiện thì có nơi lại chưa đúng.
Tới đây chúng ta phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý thật nặng những chủ hồ đập thủy điện nếu không tuân thủ nghiêm ngặt đề ra, làm ảnh hưởng đến lũ chồng lũ, thiệt hại đến người dân.
Trong bối cảnh hiện nay, biến đổi khí hậu rất lớn, những cơn bão dồn dập đặc biệt là lượng mưa cực lớn, thì dứt khoát nước phải dâng. Do đó, chúng ta phải tăng cường phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Xin cảm ơn ông! P.V (thực hiện)