Phải sống chung lâu dài với Covid-19
Thực tế mô hình chống dịch "Zero COVID," với các biện pháp phong tỏa chặt chẽ, vốn đem lại hiệu quả tại nhiều nước năm 2020, đã không còn phát huy tác dụng khi virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, biến thể này chưa suy yếu thì đã có biến thể khác dễ lây lan hơn xuất hiện, khiến dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó lường.
Tăng độ phủ vaccine ở một tỉ lệ nhất định để sống chung trong trạng thái bình thường mới |
Trong khi đó, các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đã "giáng một đòn mạnh" đối với kinh tế xã hội, làm gián đoạn việc học, đứt gãy sản xuất, ảnh hưởng tới việc chăm sóc sức khỏe và hoạt động xã hội.
Thời gian qua, việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê chuẩn sử dụng khẩn cấp nhiều loại vaccine ngừa Covid-19 và các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng đại trà đã tạo động lực để hàng loạt quốc gia chuyển hướng coi Covid-19 là "pandemic" (đại dịch) sang "endemic" (bệnh đặc hữu). Điều này có nghĩa thay vì nỗ lực "quét sạch" Covid-19, các nước điều chỉnh sang mô hình "sống chung an toàn," vừa kiểm soát các đợt bùng phát dịch, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường.
Mô hình mở cửa dần dần, từng bước và có cân nhắc cẩn trọng được áp dụng khá rộng rãi. Các nước không mở cửa hoàn toàn ngay lập tức mà chia theo từng giai đoạn, hoặc phân chia khu vực dân cư theo "bản đồ sắc màu" dựa trên tình hình dịch bệnh, chỉ cho phép những người đã hoàn thành tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính được tự do đi lại, tham gia các hoạt động công cộng...
Sống chung an toàn với COVID-19 cũng khiến con người thay đổi tư duy và lối sống. “Chìa khóa” để hướng tới cuộc sống bình thường chính là tiêm chủng đại trà. Trước sự tấn công của các biến thể mới, các nước cũng tích cực mở rộng đối tượng tiêm phòng, triển khai tiêm mũi tăng cường nhằm tăng hiệu quả bảo vệ của vaccine.
Ứng phó, tuân thủ vaccine và 5k
Theo ông Alex Cook - Phó Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu thuộc Trường Y tế công Saw Swee Hock - Đại học Quốc gia Singapore (NUS), bài học rút ra từ Singapore là tạo điều kiện cho người dân tiêm vaccine phòng Covid-19.
Tại Mỹ và các nước châu Âu có tỷ lệ bao phủ vaccine cao, giấy chứng nhận tiêm chủng gần như trở thành “tấm vé” để người dân tham gia các hoạt động công cộng.
Hiện nay, Chiến lược vaccine của Chính phủ Việt Nam đã quyết định chuyển hướng kịp thời để ứng phó với dịch Covid-19, vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.
Sau 3 tháng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128/NQ- CP nhịp sống ở hầu hết địa phương đã gần như trở về bình thường. Tỉ lệ phủ vaccine ngừa Covid-19 mũi 1, mũi 2 khá cao, người dân mạnh dạn hơn khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kinh tế dần phục hồi, xản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết các địa phương, nhất là khu vực phía Nam.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ học - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh, sau khi các ca mắc biến thể mới Omicron được phát hiện ở miền Nam châu Phi, nhiều nước đã tái áp đặt các biện pháp có thể tạo thêm gánh nặng đối với cuộc sống và sinh kế của người dân như siết chặt kiểm soát, hạn chế nhập cảnh… Vì thế trong bối cảnh dịch vẫn khó lường, điều quan trọng nhất vẫn là tăng cường phủ vaccine, xây dựng hệ thống điều trị vững mạnh để giảm thiểu số người tử vong. Chúng ta đừng mong một ngày thức dậy không có ca nhiễm bởi SARS-CoV-2, việc an toàn tuyệt đối sẽ không có, chúng ta đã làm hết sức rồi. Do vậy, thời gian tới, SARS-CoV-2 sẽ trở thành 1 virus thông thường. Người dân đã chích 2 mũi vaccine phòng Covid-19 ở một tỉ lệ nhất định thì sống chung trong trạng thái bình thường- Bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng - Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh- Thành viên của Tổ tư vấn chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng so với nhiều quốc gia, Việt Nam tương đối an toàn về mức độ giao lưu, vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát chặt người từ nước ngoài về. Song với biến thể Omicron cho thấy đại dịch vẫn còn nhiều tình huống bất ngờ nhưng chúng ta có những dự đoán virus có nguyên lý tiến hóa chung, biến thể mới sẽ lây nhiễm nhiều hơn và ít gây chết người hơn. Điều cần thiết với Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng lúc này là tăng cường mũi vaccine thứ 3 cho các đối tượng ưu tiên cao nhất như người lớn tuổi, người có bệnh nền, nhân viên y tế trực tiếp làm việc trong các cơ sở điều trị Covid-19... Với đại dịch Covid-19, các chuyên gia y tế luôn đặt mục tiêu hàng đầu phải bảo vệ đối tượng nguy cơ là người lớn tuổi, người có bệnh nền để giảm nguy cơ tử vong. Dù là Delta hay Omicron, nguyên tắc này luôn được tôn trọng.