Đô thị Buôn Hồ (Đắk Lắk) là đô thị sinh thái cấp vùng, trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh; đô thị đầu mối giao thương quan trọng của trục hành lang kinh tế kết nối giữa vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Bắc Campuchia.
Tại Hội nghị công bố đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Buôn Hồ đến năm 2045, ông Đặng Gia Duẩn – Chủ tịch thị xã Buôn Hồ cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2045 theo Quyết định số 621/QĐ-UBND ngày 26 tháng 2 năm 2024.
Ông Lê Hùng - Phó Giám đốc Sở xây dựng Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị |
Theo đồ án, khu trung tâm hành chính được quy hoạch phía Đông Bắc thị xã, diện tích khoảng 7,44 ha. Phân khu đô thị gồm: Phân Khu đô thị hành chính – Dịch vụ thương mại và tài chính; Phân Khu đô thị Văn hóa – Dịch vụ và Phân khu đô thị sinh thái. Định hướng phát triển các trung tâm chức năng chuyên ngành đô thị gồm có: Trung tâm giáo dục đào tạo; Trung tâm thương mại dịch vụ; Trung tâm y tế; Trung tâm thể dục thể thao – Du lịch.
Quy hoạch trung tâm du lịch quy mô khoảng 300ha tại khu vực phía Đông gắn kết với trung tâm văn hóa và khu du lịch Buôn Tring. Phía Nam quy hoạch Khu du lịch sinh thái Đèo Hà Lan với quy mô khoảng 200ha. Xây dựng cụm công nghiệp Cư Bao quy mô khoảng 75ha theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của tỉnh.
Ông Đặng Gia Duẩn – Chủ tịch thị xã Buôn Hồ phát biểu tại Hội nghị |
Đồ án điều Quy hoạch chung thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2045 đã được phê duyệt với mục tiêu hướng tới xây dựng và phát triển thị xã Buôn Hồ trở thành một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch vùng phía Bắc của tỉnh; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng. Đồng thời cũng là trung tâm du lịch sinh thái – văn hóa; trung tâm dịch vụ - thương mại, trung tâm nghiên cứu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm chế biến cà phê của vùng và cả nước.
“Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2045 không chỉ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển đô thị thị xã Buôn Hồ, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển thị xã; tạo động lực, cơ hội cho thị xã Buôn Hồ khơi dậy và phát huy tiềm năng, thu hút tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển” - ông Đặng Gia Duẩn nói.
Cũng theo ông Đặng Gia Duẩn, thị xã Buôn Hồ sẽ tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân. Tăng cường phối hợp tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khoa học, đặc biệt trong quản lý, phát triển đô thị, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, quản lý sử dụng đất, quản lý xây dựng công trình hạ tầng và không gian ngầm đô thị.
Giới thiệu đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Buôn Hồ đến năm 2045 |
Ông Lê Hùng - Phó Giám đốc Sở xây dựng Đắk Lắk nhấn mạnh, đô thị Buôn Hồ là đô thị sinh thái cấp vùng, trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh; đô thị đầu mối giao thương quan trọng của trục hành lang kinh tế kết nối giữa vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Bắc Campuchia.
“Đây là vùng tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, đặc biệt là sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê. Tại đây, thị xã được định hướng phát triển các công trình hạ tầng xã hội cấp tiểu vùng như siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại dịch vụ, du lịch, chợ đầu mối, trung tâm thể thao,…” - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, thị xã Buôn Hồ cần phải tập trung xây dựng đô thị thành cực phát triển với các trung tâm kinh tế như: Đô thị thông minh; cụm công nghiệp và dịch vụ; các hành lang phát triển và các vùng chuyên canh. Ứng dụng khoa học công nghệ và lựa chọn phát triển những điểm đột phá xanh trong các phân khu đô thị.
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển; kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực nhằm gắn kết không gian Tây Nguyên với không gian ven biển vùng duyên hải. Phát triển hài hòa giữa kết cấu hạ tầng sản xuất với kết cấu hạ tầng xã hội chủ chốt: Giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; phát triển hạ tầng số dung lượng lớn, tạo đà thúc đẩy tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội phát triển theo định hướng “Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số”.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng; giữ vững vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch vùng phía Bắc của tỉnh. Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế toàn thị xã trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Ngoài ra, thị xã Buôn Hồ cần phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và xây dựng nông thôn mới, trong đó lấy con người là trung tâm, khoa học - công nghệ là động lực phát triển và là nguồn lực phát triển quan trọng nhất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và liên tục tạo ra các lợi thế so sánh mới để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thị xã. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, giảm chênh lệch về phát triển xã hội giữa khu vực thành thị và nông thôn.