CôngThương - Trong một thị trường đang ở thời điểm bão hòa, sẽ không còn chỗ cho các doanh nghiệp (DN) mới, ngay cả những DN đang có thị phần cũng buộc phải cạnh tranh quyết liệt để tồn tại và phát triển. Đầu tư ra nước ngoài và sáp nhập, hợp tác để gia tăng cạnh tranh là xu hướng tất yếu trong những năm tới.
Sau thời kỳ bùng nổ với hàng loạt nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ra đời thì thị trường trong hai năm trở lại đây bắt đầu bão hòa và phân cực rõ rệt. Trong khi những nhà mạng nhỏ vẫn đang vật vã trong hành trình tìm kiếm khách hàng thì ba DN cung cấp dịch vụ viễn thông là VinaPhone, MobiFone và Viettel luôn an toàn trong mức tăng trưởng đều.
Viễn thông thời hoàng kim
Năm 2010 đã đánh dấu một giai đoạn khó khăn trên con đường phát triển của dịch vụ viễn thông. Nền kinh trế Việt Nam vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, đã tác động lên thị trường viễn thông nói chung và thị trường các dịch vụ thông tin di động nói riêng.
Trong bối cảnh như thế, điều đáng ngạc nhiên là ba “ông lớn” của ngành viễn thông Việt Nam là VinaPhone, MobiFone và Viettel đều đảm bảo tăng trưởng mạnh. Hai đơn vị VNPT và Viettel lọt vào nhóm 10 DN lớn nhất Việt Nam.
Đơn vị công bố tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận trong ngành viễn thông sớm nhất là Viettel. Khép lại năm 2010, Viettel đã hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra trong năm 2010.
Cụ thể, tổng doanh thu của Viettel đạt 91.561 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2009. Lợi nhuận của đơn vị này đạt 15.500 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt 48,3%.
Trong năm 2010, tập đoàn này phát triển mới 46,3 triệu thuê bao di động và 1,17 triệu thuê bao 3G. Số thuê bao di động hai chiều mới trong năm 2010 của Viettel đạt 2,1 triệu thuê bao và có tổng số thuê bao hoạt động trên toàn mạng là 49,9 triệu thuê bao.
Dù có mức tăng trưởng đẹp mắt nhưng trong cuộc đua 100.000 tỷ đồng với “đối thủ” VNPT thì Viettel cũng là người đến trễ. Tập đoàn VNPT năm 2010 đạt doanh thu 101.569 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2009 và nộp ngân sách 7.855 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu VinaPhone đạt trên 28.172 tỷ đồng, vượt 106% so với kế hoạch đề ra. B
ên cạnh tăng trường về mặt doanh thu, VinaPhone có thêm khoảng 10 triệu thuê bao mới. Nhích hơn một chút, doanh thu của MobiFone đạt 36.034 tỷ đồng, hoàn thành 100,09% kế hoạch đề ra, tăng 31,5% so với năm 2009. Tuy nhiên, thuê bao thực phát triển của nhà mạng này chỉ 5,95 triệu thuê bao.
Bão hòa trên đỉnh cao
Viettel đã chính thức vươn ra thị trường Đông Dương - Ành: Quý Hiếu |
Hầu hết các nhà mạng đều có chung đánh giá, thị trường viễn thông Việt Nam đã tương đối bão hòa với tỷ lệ người dùng gần cao nhất khu vực. Tốc độ tăng trưởng chung trên thị trường đang bị chậm lại trong bối cảnh có quá nhiều nhà khai thác. Doanh thu tăng trưởng chậm, cạnh tranh giữa các nhà cung cấp càng trở nên quyết liệt.
Ba năm qua chứng kiến cuộc chạy đua giảm giá tới mức quyết liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ, đẩy các nhà mạng nhỏ vào “cửa tử”. “Cước dịch vụ tiếp tục giảm và đang tiến đến sát với giá thành”, ông Tạ Nhật Nguyên, Phó phòng kinh doanh tiếp thị VinaPhone nhận định.
Chính vì vậy, cuộc đua của những năm sắp tới chỉ nhắm vào phát triển dịch vụ cộng thêm. Song song với cạnh tranh về cước, dịch vụ giá trị gia tăng, đặc biệt là các dịch vụ trên nền 3G cũng là một cuộc chiến không ngừng nghỉ giữa các nhà mạng.
Không phải ngẫu nhiên, MobiFone thành lập hẳn một trung tâm Dịch vụ giá trị gia tăng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Ngoài việc tạo nên sự hấp dẫn để thu hút và giữ chân khách hàng thì đây cũng là mảnh đất màu mỡ để nhà mạng hốt bạc.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ giá trị gia tăng của MobiFone cho biết, có thời điểm dịch vụ giá trị gia tăng mang đến cho MobiFone gần 25% doanh thu. Vì điều này mà tính đến nay, MobiFone đã có hơn 40 dịch vụ giá trị gia tăng khác nhau. Mới đây nhất là mSpace, mGame, mStory, mPlus... tạo bất ngờ cho khách hàng.
Không kém cạnh, VinaPhone cũng liên tục tung ra các dịch vụ giá trị gia tăng như Vclip, Vinasport, GameLoft, TeenPortal, GoMobile, NhómTeen, Imedia, TiniPet, MangaMob, MoMo, Money Transfer, SmartNhómup...
Theo thống kê của VinaPhone, doanh thu từ gần 40 dịch vụ phi thoại của nhà mạng này tăng mạnh trong năm 2010, đạt 21% trên tổng số doanh thu của VinaPhone. Nhà mạng này còn có tham vọng sẽ thiết lập được một mạng xã hội trên di động để tạo cộng đồng người dùng di động.
Hình thức cạnh tranh có khác nhau nhưng điều đáng ghi nhận là cả ba nhà mạng này đều chú trọng đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, lắp đặt trạm thu phát sóng... để đảm bảo dịch vụ tốt nhất.
Vừa đầu tư không ngừng, vừa phải giảm cước liên tục để thu hút và giữ chân thuê bao..., thách thức mà những DN lớn trong ngành viễn thông phải đối đầu không khó thấy nhưng trong cơn khó ấy, sự tăng trưởng không ngừng cho thấy nỗ lực hết mình của từng DN.
Phát triển đã khó, phát triển trong môi trường bão hòa, số thuê bao vượt dân số như hiện nay lại càng khó. Đó chính là lý do các ông lớn cũng e dè trong việc đặt mục tiêu phấn đấu.
VinaPhone dự kiến doanh thu toàn mạng trong năm 2011 đạt khoảng 30.224 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2010. Thuê bao di động thực tăng tối thiểu 5 triệu thuê bao. Viettel cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 19%, tương đương với doanh thu đạt trên 109.000 tỷ đồng.
Sự kém tự tin của nhà mạng khi đề ra tỷ lệ tăng trưởng cho năm 2011 không bằng 2010 cho thấy độ bão hòa của thị trường ngày một cao. Với sự bão hòa này, “ông lớn” còn e dè thì huống gì là những nhà cung cấp mạng có quy mô nhỏ?
Thị trường trong nước đã đến điểm bão hòa khiến một số DN đã phải tính đến tìm kiếm thị trường nước ngoài, điển hình là Viettel, VNPT. Trong ba nhà mạng lớn hàng đầu Việt Nam thì Viettel là thành công hơn cả trong việc vươn ra khỏi biên giới, đầu tư vào thị trường viễn thông nước ngoài. Sóng 3G của Viettel đã phủ rộng ở ba nước Đông Dương. Tính đến thời điểm này, Viettel đã có trên 18.000 trạm 3G tại 3 nước Đông Dương. Năm 2010, Viettel còn tiếp tục mở rộng đầu tư sang các thị trường mới xa hơn và khó khăn hơn là Haiti (châu Mỹ) và Mozambique (châu Phi). VinaPhone đã hòa mạng mới 3.541 trạm phát sóng BTS 2G và 2570 trạm BTS 3G. Đến cuối năm 2010, tổng số trạm phát sóng VinaPhone đã có gần 21.000 trạm BTS 2G, 3G đang hoạt động. Phía MobiFone cũng đã có hơn 20.000 trạm phát sóng hiện đại và vẫn liên tục mở rộng dung lượng mạng lưới để nâng cao khả năng phục vụ, hướng tới số lượng thuê bao lớn hơn. |