Vì sao thị trường fintech Việt Nam được nhận định chưa bão hòa? |
Lượng người sử dụng “bùng nổ”
Thị trường ví điện tử Việt Nam đang vào giai đoạn bùng nổ. Theo số liệu thống kê từ Robocash Group, trong bốn năm qua (từ tháng 10 năm 2018 đến tháng 10 năm 2022), số lượng người dùng ví điện tử đã tăng một cách ấn tượng: từ 12,3 lên 41,3 triệu (tức là tăng mạnh tới 330%).
Hiện nay, khoảng 57% dân số trưởng thành của Việt Nam sử dụng ví điện tử, trái ngược với chỉ 14% vào cuối năm 2018. Đây có thể được coi là mức thâm nhập đáng kể, tương đương với gần ba phần năm người Việt Nam là người sử dụng dịch vụ ví điện tử .
Robocash ước tính đến tháng 7/2024, thị trường này sẽ có 50 triệu người dùng hoạt động, 100 triệu vào tháng 5/2026, và 150 triệu vào tháng 7/2030.
Cũng theo Robocash Group, thị trường ví điện tử Việt Nam đang bùng nổ với 90% thị phần thuộc về 3 ví Momo, Moca và ZaloPay. Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt ở lĩnh vực ví điện tử với 40 ví đang hoạt động.
Ngoài ba ví đã đề cập bên trên, thị trường e-wallet Việt Nam còn có ba đối thủ cạnh tranh lớn khác: ShopeePay (AirPay), ViettelPay và VNPT Pay. Sáu công ty này cùng nhau chiếm tổng cộng 99% thị trường, tạo nên một sân chơi hoàn toàn độc quyền. Theo nghiên cứu của Decision Lab, cuối năm 2021, 56% dân số Việt Nam sử dụng Momo, 17% - ShopeePay, 14% - ZaloPay, 8% - ViettelPay, 2% - Moca và 1% - VNPT Pay.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, các ví này có thể hoạt động ở các thị trường khác, giới hạn đối với mức trần dân số vẫn là toàn bộ dân số trái đất chứ không phải riêng Việt Nam hay khu vực Đông Nam Á, ước tính vào tháng 7/2024, thị trường ví điện tử Việt Nam sẽ có 50 triệu người dùng hoạt động, 100 triệu vào tháng 5/2026, và 150 triệu vào tháng 7/2030.
“Thị trường ví điện tử Việt Nam chắc chắn có thể cạnh tranh với ngân hàng truyền thống hoặc ngân hàng số. Sáu siêu ứng dụng được đề cập ở trên có tiềm năng vô hạn để thu hút khách hàng mới không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn vượt ra ngoài biên giới”- chuyên gia của Robocash Group đánh giá.
Các ví đang cạnh tranh ra sao?
Các chuyên gia dự báo, với nhiều ví đang hoạt động như trên, thị trường ví điện tử sẽ cạnh tranh khốc liệt và có thể thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng (super app) hàng đầu trong khu vực và địa phương nhằm thống lĩnh thị trường. Không chỉ thế, nhiều siêu ứng dụng và nhà cung cấp dịch vụ thuộc các nhóm ngành kinh tế khác (như thương mại điện tử, bán lẻ và dịch vụ tài chính) cũng sẽ bắt tay cùng hợp tác.
Chẳng hạn MoMo - để củng cố vị trí siêu ứng dụng dẫn đầu thị trường thông qua việc tăng cường cung cấp dịch vụ tài chính đến 31 triệu khách hàng hiện hữu, mở rộng thị trường thông qua việc cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ (SME), siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam và tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư vào các công ty Việt Nam để mở rộng hệ sinh thái, MoMo đã nhiều lần gọi vốn đầu tư.
Trong khi đó, ShopeePay đang khai thác tốt lợi thế cạnh tranh (USPs) là nền tảng thanh toán tích hợp trong sàn thương mại điện tử dẫn đầu thị trường là Shopee. Đồng thời ví này cũng đã và đang kết hợp với nhiều đối tác kinh doanh để đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng. Cụ thể, ví ShopeePay được tích hợp sử dụng rộng rãi trong mua sắm, thanh toán hóa đơn, nạp điện thoại trên Shopee, chuyển tiền, thanh toán tại cửa hàng, đặt đồ ăn/thức uống trên ShopeeFood và các dịch vụ khác như mua vé máy bay, xe khách và đặt phòng khách sạn thông qua các đối tác của ShopeePay.
Hay VNPAY với thế mạnh của nền tảng cổng thanh toán điện tử sở hữu mạng lưới đối tác liên kết thanh toán “đáng nể” thì đầu tháng 12/2022 đã công bố hợp tác với nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Saigon Co.op để mở rộng tệp khách hàng. Ngay sau ký kết VNPAY đã triển khai 200 điểm thanh toán VNPAY-QR và VNPAY-POS cho hệ thống cửa hàng, siêu thị của Saigon Co.op và dự kiến sẽ nâng lên 1.000 điểm thanh toán trong thời gian tới.
Ông Lê Tánh - Tổng Giám đốc VNPAY kỳ vọng, sự hợp tác giữa VNPAY và chuỗi bán lẻ Saigon Co.op sẽ mở ra một hướng đi mới trong chiến lược phát triển của hai bên. Điều này sẽ giúp tạo lợi ích tối đa cho người tiêu dùng trong việc thanh toán, giao dịch, giúp cuộc sống của mọi người đơn giản và tiết kiệm thời gian, chi phí hơn nữa.
Còn ZaloPay cạnh tranh bằng chuyển đổi người dùng trực tiếp trong ứng dụng Zalo Chat. ViettelPay với hệ sinh thái viễn thông cho phép chuyển tiền qua số điện thoại. Moca (GrabPay) với hệ sinh thái thuộc siêu ứng dụng Grab….