Giá vàng lao dốc “không phanh”
Trước sự biến động liên tục, bất thường của giá vàng trong những tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã không ngừng có những chỉ đạo sát sao nhằm ổn định thị trường vàng.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%.
Chính vì vậy, ngày 29/5, Ngân hàng Nhà nước đã ra thông báo dừng đấu thầu vàng miếng, thay vào đó thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân kể từ ngày 3/6 tới đây. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.
Theo nhận định của một số chuyên gia, sẽ có một “cuộc tháo chạy” khỏi vàng SJC của người dân trước giờ G, và giá vàng SJC sẽ “ngã nhào”.
Thực tế cho thấy, trên thị trường, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin bán vàng, giá vàng SJC đã liên tục lao dốc. Tính đến sáng 2/6, tức 5 ngày kể từ khi Ngân hàng Nhà nước công bố bán vàng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 81 - 83 triệu đồng/lượng (mua - bán). Như vậy, nếu so với mức đỉnh là hơn 92 triệu đồng/lượng, giá vàng hiện đã đánh mất gần chục triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng miếng SJC liên tục lao dốc trong tuần qua |
Giải pháp tốt, song người dân cần cẩn trọng
Dành lời khen cho giải pháp lần này của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia cho biết, giá vàng trong nước sẽ tiến sát về giá vàng thế giới sau khi vàng miếng SJC sẽ được các ngân hàng bán ra vào đầu tuần tới.
Trao đổi với Báo Công Thương, PGS. TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế - nhận định, việc giá vàng trong nước cách biệt quá xa so với giá vàng thế giới thời gian qua, có thời điểm cao hơn khoảng 20% dẫn đến nguy cơ vàng lậu tăng cao, ngoại tệ bị chảy máu. Khi Ngân hàng Nhà nước thông báo việc bán vàng cho các ngân hàng đã nêu rõ, mức giá sẽ do Ngân hàng Nhà nước xác định căn cứ theo giá thế giới bởi mục tiêu là để giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Điều này đã có tác động tức thời đó là giá vàng SJC đã giảm mạnh trong tuần qua.
Cũng nêu quan điểm về việc Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu vàng và thực hiện bán vàng trực tiếp cho người dân qua 4 ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia - cho biết, đây là một giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm thực hiện tốt định hướng và chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trên ba phương diện.
Thứ nhất, nguồn cung vàng miếng được tăng lên một cách cụ thể, trực tiếp (do không bị găm giữ hay đầu cơ), đến thẳng tay người tiêu dùng. Thứ 2, đảm bảo giá hợp lý hơn trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào giá vàng thế giới cộng thêm các khoản chi phí cần thiết, qua đó góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Thứ 3, đảm bảo tính công khai minh bạch hơn khi các thông tin mua - bán vàng được công khai, giao dịch mua bán vàng có hóa đơn điện tử...
Giá vàng giảm sốc, nhiều người vội bán vàng |
Đồng quan điểm, Chuyên gia Trần Duy Phương đánh giá phương án can thiệp mới của Ngân hàng Nhà nước có tính khả thi hơn, hiệu quả hơn so với phương án đấu thầu vàng.
“Thông điệp giá bán vàng miếng SJC tới đây sẽ căn cứ theo giá vàng thế giới và không giới hạn, mua bao nhiêu bán bấy nhiêu thể hiện quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc can thiệp thị trường vàng. Đây là yếu tố tác động mạnh đến tâm lý người dân và giải tỏa tâm lý thị trường” - Chuyên gia Trần Duy Phương khẳng định; đồng thời nói thêm: “Khi bán vàng qua nhóm Big4, vàng sẽ đến tay người dân; các doanh nghiệp, tổ chức không được mua; điều này sẽ triệt tiêu bớt việc găm hàng, đẩy giá. Nhất là với nguồn lực dồi dào và mạng lưới rộng khắp của nhóm Big4, cơ bản thị trường vàng sẽ từng bước giảm về mức giá hợp lý hơn”.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, giải pháp Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại cũng giống như đấu thầu vàng; tuy nhiên “tại sao chỉ có nhóm Big4 được phép tham gia mà không phải những ngân hàng khác? Giá ấn định của Ngân hàng Nhà nước là bao nhiêu? Lợi nhuận của nhóm Big4 là bao nhiêu?” - vị chuyên gia đặt nhiều câu hỏi.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Ngân hàng Nhà nước cần minh bạch giá bán cho nhóm Big4 và giá các ngân hàng bán ra cho người dân để tránh “ưu tiên cho người nhà”. Hơn nữa, nếu giá bán ra sát giá thế giới, người dân sẽ mua rất nhiều. Song, ông Huân băn khoăn, nếu nhiều người mua thì có đủ lượng cung không? Khi người dân mua nhiều liệu ngân hàng có lại bán giá cao?...
Dự báo về giá vàng trong tuần tới, TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế - phân tích, khi Ngân hàng Nhà nước nhập lượng cung nhất định và bán dần cho 4 ngân hàng thương mại, dần dần, giá vàng sẽ hạ dần theo thời gian mà lượng vàng được Ngân hàng Nhà nước cung ra. Theo vị chuyên gia, ở giai đoạn đầu, giá vàng chưa thể giảm ngay nhưng quan trọng nhất, đó là phần chênh lệch này nằm trong tay nhà nước để có dự trữ phòng ngừa rủi ro và điều tiết, thay vì chảy vào túi đầu cơ, buôn lậu. Thế nên, trong thời gian tới, giá vàng trong nước sẽ giảm nhiệt. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, giá vàng SJC chênh lệch với giá vàng thế giới 2 - 4 triệu đồng/lượng là hợp lý. Như vậy, theo dự báo của ông Hiển, giá vàng SJC trong nước sẽ giảm về mốc 74 - 76 triệu đồng/lượng, khi giá vàng trên thế giới hiện đang dao động ở ngưỡng 72 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia cùng đưa ra cảnh báo người dân cần hết sức cẩn trọng trong các giao dịch vàng sắp tới. Lý do, thị trường vàng sẽ có nhiều biến động. Đây là thị trường có khả năng sinh lời nhưng cũng hết sức rủi ro, đặc biệt khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng phương thức bán vàng can thiệp trực tiếp.
Hiện tại, cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm: Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank đều đã công bố cụ thể kế hoạch bán vàng miếng SJC. Theo nguồn tin riêng của Báo Công Thương, dự kiến từ 13h30 chiều ngày 3/6 Vietcombank mới chính thức triển khai bán vàng miếng SJC trực tiếp tới khách hàng cá nhân là người Việt Nam. Và cũng dự kiến lượng vàng mà các ngân hàng thương mại được nhận từ Ngân hàng Nhà nước nhiều nhất là 2.000 lượng/ngân hàng/ngày; thấp nhất là 500 lượng/ngân hàng/ngày. Tương tự, Agribank cũng dự kiến bắt đầu mở bán vàng vào đầu giờ chiều ngày 3/6, bởi trong buổi sáng đơn vị mới đến Ngân hàng Nhà nước để nhận vàng vật chất. Sau khi nhận hàng xong, ngân hàng mang về nhập kho rồi điều chuyển đến các chi nhánh… Các bước này đều cần thực hiện một cách cẩn trọng. Đồng thời, các ngân hàng chỉ bán vàng miếng SJC loại 1 lượng. Do đó, những ai có nhu cầu mua vàng miếng loại 1 chỉ, 2 chỉ sẽ phải tìm mua tại các địa điểm kinh doanh vàng miếng ngoài thị trường. Điều đáng chú ý, các ngân hàng thương mại chỉ bán mà không mua vàng miếng của người dân. Như vậy, những ai muốn mua vàng miếng SJC có thể đến các chi nhánh được chọn lựa tại một trong bốn ngân hàng nêu trên để mua. Trường hợp muốn bán vàng miếng, người dân có thể đến các địa điểm kinh doanh vàng miếng như SJC, DOJI, PNJ… Lý giải về việc vì sao ngân hàng thương mại nhà nước chỉ thực hiện bán vàng miếng chứ không mua, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: “Ngay từ đầu, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định việc bán vàng thông qua bốn ngân hàng thương mại nhà nước nhằm mục đích bình ổn thị trường, qua đó kéo giảm chênh lệch giữa vàng miếng SJC và giá vàng thế giới, chứ không phải hoạt động kinh doanh”. Theo bà Phượng, với hoạt động kinh doanh sẽ có cả chiều mua và bán, nhưng hoạt động cung ứng cần được hiểu là hoạt động can thiệp một chiều để bình ổn giá vàng trên thị trường. “Do đó, cần hiểu rõ rằng những địa điểm bán vàng miếng SJC của Agribank nói riêng và của bốn ngân hàng thương mại Nhà nước nói chung chỉ là điểm cung ứng vàng miếng, chứ không phải địa điểm kinh doanh mua - bán vàng miếng” - bà Phượng nhấn mạnh. Cũng chính vì mục tiêu của hoạt động bán vàng miếng là để bình ổn thị trường nên Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa giá vàng miếng xuống từng bước. Nói cách khác, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh giá vàng miếng giảm một cách ổn định, bền vững chứ không can thiệp sốc khiến giá vàng miếng giảm mạnh sau đó lại tăng nóng trở lại.
|